Cần khởi tố, điều tra hành vi hối lộ để nâng điểm tại Hà Giang

Các bị cáo trong vụ nâng điểm thi tại Hà Giang.
Các bị cáo trong vụ nâng điểm thi tại Hà Giang.
TPO - Dù có điểm chung khi chỉ “nhờ xem điểm” lại được nâng điểm nhưng các cơ quan tố tụng Hà Giang không khởi tố, điều tra hành vi hối lộ như ở Hòa Bình, Sơn La. Tiền Phong đã phỏng vấn luật sư Bùi Việt Anh – người tham gia bào chữa trong vụ án gian lận điểm thi tại Sơn La để hiểu rõ hơn vấn đề.

Không thể chấp nhận lời khai “xem trước điểm”

PV: Là người tham gia giải quyết vụ án tại Sơn La, ông có nhận thấy điểm chung nào giữa 3 vụ án gian lận điểm thi tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang?

Luật sư Bùi Việt Anh (Văn phòng Luật sư Quốc tế Bình An): Với tư cách là người trực tiếp tham gia tố tụng trong vụ án gian lận điểm thi tại Sơn La và qua theo dõi thông tin, tôi nhận thấy có một số điểm chung cơ bản trong ba vụ án.

Thứ nhất, kết quả thi tốt nghiệp PTTH năm 2018 của nhiều thí sinh ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đều cao bất thường so với các địa phương khác trong khi 3 tỉnh này không phải những địa phương xếp ở vị trí cao trong những năm trước. Ngay kỳ thi THPT năm 2019 vừa qua, 3 tỉnh này đều xếp ở vị trí cuối bảng so với cả nước.

Thứ hai, hầu hết các thí sinh được nhờ “xem trước điểm thi” đến khi chấm thẩm định đều thể hiện, các em này được “nâng điểm thi”.

Thứ ba, các thí sinh được nhờ “xem trước điểm thi” thường đăng ký vào các trường khối ngành công an, quân đội, Y... vốn là những trường có điểm xét tuyển đầu vào rất cao.

Thứ tư, phụ huynh của các thí sinh có con được nhờ “xem trước điểm thi” phần lớn đều là cán bộ, đảng viên, công chức đang làm việc trong các cơ quan nhà nước; nhiều người là lãnh đạo của các sở, ngành tại địa phương.     

PV: Xin ông cho ý kiến việc ở Sơn La, Hà Giang, nhân chứng khai chỉ nhờ xem điểm nhưng sau đó lại được nâng điểm. Việc nhờ xem điểm có cần thiết không khi đáp án sẽ có ngay sau khi thi xong từng môn; điểm số sẽ được công bố rất lâu trước khi thí sinh nộp hồ sơ vào các trường đại học?

Luật sư Bùi Việt Anh: Tôi cho rằng việc các nhân chứng khai tại các phiên tòa ở Sơn La, Hà Giang trong những ngày vừa qua là chỉ nhờ “xem trước điểm thi”, không nhờ nâng điểm là không thỏa đáng, không thuyết phục. Việc này có thể coi là thách thức, coi thường dư luận bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, sau khi kết thúc mỗi môn thi, Bộ GD&ĐT đều công bố công khai đáp án của từng môn trên các phương tiện thông tin đại chúng nên ngay khi kết thúc mỗi môn thi, các thí sinh đều có thể tự chấm và tự biết được kết quả và điểm số của mình. Ngoại lệ có môn thi tự luận như Ngữ Văn sẽ khó hơn nhưng vẫn có thể đoán định tương đối.

Thứ hai, sau khi Bộ GD&ĐT công khai công bố điểm thi, các thí sinh vẫn còn một khoảng thời gian dài để cân nhắc và điều chỉnh nguyện vọng nộp hồ sơ vào các trường đại học, không phải đã công bố điểm thi sẽ không còn cơ hội điều chỉnh nguyện vọng nữa. Vì vậy, lời khai của các nhân chứng cho rằng việc nhờ “xem trước điểm thi” để các thí sinh kịp thời điều chỉnh nguyện vọng là điều không thể chấp nhận được. 

Cần khởi tố, điều tra hành vi hối lộ để nâng điểm tại Hà Giang ảnh 1

Luật sư Bùi Việt Anh tham gia tố tụng tại tòa án Sơn La.

Hà Giang cần điều tra hành vi hối lộ

PV: Tại Hà Giang, các bị cáo khai nâng điểm là vì muốn tạo phúc; do nể nang muốn giúp đỡ đồng nghiệp… Với động cơ nâng điểm như vậy, VKSND Hà Giang truy tố các bị cáo về 3 tội danh nêu trên có phù hợp?

Luật sư Bùi Việt Anh: Trong vụ án tại Hà Giang, các bị cáo bị VKSND tỉnh Hà Giang truy tố về 3 tội danh gồm “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Các tội danh này đều nằm trong nhóm tội phạm tham nhũng hoặc nhóm khác về chức vụ. Nếu các bị cáo đều khai nhận việc nâng điểm vì muốn tạo phúc, do nể nang muốn giúp đỡ đồng nghiệp… hoàn toàn không có động cơ trục lợi sẽ đồng nghĩa việc VKSND tỉnh Hà Giang truy tố các bị cáo này về các tội danh nêu trên là không phù hợp.

Lý do, yếu tố trục lợi là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” theo Điều 366 và tội “Lợi dụng chưc vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo Điều 358 BLHS.

PV: Cá nhân ông có tin tưởng 5 bị cáo sửa hơn 300 bài thi, nâng điểm cho 106 thí sinh tại Hà Giang chỉ vì nể nang, không vì tiền hoặc lợi ích khác? Nếu không, xin ông đánh giá việc giải quyết vụ án tại Hà Giang theo hướng hiện nay sẽ ảnh hưởng ra sao tới lòng tin của xã hội tới các cơ quan nhà nước?

Luật sư Bùi Việt Anh: Không chỉ riêng cá nhân tôi mà dư luận xã hội đều không tin rằng việc sửa hơn 300 bài thi và nâng điểm cho 106 thí sinh tại Hà Giang chỉ vì nể nang, không phải vì tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Do đó, nếu TAND tỉnh Hà Giang tuyên bố các bị cáo trong vụ án này phạm tội theo truy tố của VKSND tỉnh Hà Giang sẽ có nguy cơ oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Đây là điều hết sức nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quan trọng hơn, việc này sẽ làm sói mòn niềm tin của người dân và xã hội đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

PV: Theo ông, Hà Giang có nên trả hồ sơ vụ án để làm rõ động cơ mục đích nâng điểm, làm rõ có hay không việc đưa nhận hối lộ?

Luật sư Bùi Việt Anh: Như đã phân tích ở trên, theo tôi TAND tỉnh Hà Giang nên quyết định trả hồ sơ cho viện kiểm sát để điều tra bổ sung, trong đó cần tập trung đấu tranh làm rõ dấu hiệu của các hành vi đưa - nhận hoặc môi giới hối lộ (như TAND tỉnh Sơn La đã làm).

Nếu TAND tỉnh Hà Giang không quyết định trả hồ sơ, Hội đồng xét xử cần ra quyết định khởi tố vụ án để yêu cầu điều tra, làm rõ dấu hiệu các hành vi hối lộ của một số cá nhân có liên quan.  

PV: Xin ông nêu ý kiến về mặt pháp luật, cần làm gì để ngăn chặn tình trạng chạy điểm như từng diễn ra ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La?

Luật sư Bùi Việt Anh: Cần xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Với các phụ huynh có con em được nâng điểm thi, cũng phải có chế tài xử lý kỷ luật nghiêm khắc, những trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm phải khởi tố và đưa ra xét xử theo quy định.

Bộ GD&ĐT nên hoàn thiện thêm quy trình chấm thi đặc biệt là với bài thi trắc nghiệm nhằm hạn chế tối đa các kẽ hở cho những người chấm thi lợi dụng. Đây cũng là nội dung TAND tỉnh Sơn La đã yêu cầu VKSND tỉnh Sơn La trưng cầu ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, giải thích về quy trình xử lý bài thi trắc nghiệm theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
MỚI - NÓNG