Chậm ra khỏi khủng hoảng
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đến nay, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát… Nền kinh tế đang dần phục hồi đà tăng trưởng. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng kết quả ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đòi hỏi những nền tảng vững chắc hơn, các cân đối lớn chưa bền vững, nợ xấu còn cao...
Trong khi phần lớn các nước trong khu vực đã bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng thì ở Việt Nam, sự phục hồi còn chậm. Xét về mặt tuyệt đối, khoảng cách giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực đang ngày một cách xa. “Tại sao nền kinh tế của ta ra khỏi khủng hoảng chậm hơn các nước trong khu vực?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.
“Muốn thoát khỏi tình trạng trì trệ này, cần phải có nhiều hơn nữa tinh thần dân chủ” bởi vừa qua có cả trách nhiệm của các nhà khoa học, chỉ biết trình lên những bức tranh “đẹp” cho vừa lòng lãnh đạo”. Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, GS Nguyễn Quang Thái |
Phần nào lý giải cho câu hỏi này, GS.TS Trần Thọ Đạt, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra so sánh, trong khi tăng trưởng của các nước ASEAN- 5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan) đều khởi sắc hơn từ giai đoạn cuối 2009 thì tốc độ tăng trưởng trung bình của Việt Nam lại suy giảm nhanh và liên tục từ cuối 2007 và đến cuối 2012 ở mức thấp nhất kể từ năm 2000. Trong bối cảnh đó, thâm hụt ngân sách vẫn ở mức cao. Nguyên nhân do tổng chi ngân sách nhà nước quá cao chứ không phải do tổng thu thấp. Theo thống kê của IMF, tổng chi Chính phủ của Việt Nam ổn định ở mức xấp xỉ 31% GDP, tỷ lệ này cao gấp 1,4 lần của Trung Quốc và Thái Lan; 1,6 lần của Indonesia và Philippines. Thêm vào đó, nợ công tăng nhanh và tiềm ẩn nhiều rủi ro từ nợ công của khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tổng nợ công của Việt Nam ước tính khoảng 55,3% vào cuối năm 2012. “Tuy nhiên, rủi ro tiềm tàng lớn nhất không phải ở những khoản nợ ghi nhận trên sổ sách. Những khoản nợ xấu của khu vực DNNN rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả mới là mầm mống đe dọa tính bền vững của nợ công Việt Nam”- GS.TS Trần Thọ Đạt lo ngại.
Đi thẳng vào những nguyên nhân kinh tế khó khăn, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, một số chủ trương chỉ được thực hiện một phần, một số không thực hiện được và không thực hiện, thậm chí có nhóm chủ trương bị làm ngược lại. Lấy dẫn chứng một số chủ trương không thực hiện được hoặc thực tế diễn ra ngược lại với mong muốn của chúng ta, ông Vũ Khoan chỉ ra đó là: “Thị trường tài chính, thị trường bất động sản, hay như xây dựng một số tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh để làm cái nọ, cái kia… Mấy năm rồi chúng ta thấy hình như nó bộc lộ không phải mạnh mà là cái gì đó”. Nguyên Phó Thủ tướng đề xuất nên rà soát lại từng chủ trương đã ban hành xem đã thực hiện đến đâu, do đâu mà nên “nông nỗi đó”. Phải làm rõ “bức tranh lổn nhổn, không đi vào cuộc sống được” thì do đâu.
Không vì sức ép mà trở về tầm nhìn ngắn hạn
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành cho rằng, điều cần quan tâm nhất lúc này là ổn định, phục hồi và tái cấu trúc. Việt Nam phải kiên trì, nhất quán, không vì áp lực nào mà né tránh hay làm méo mó mục tiêu đã được xác định này. Phục hồi không nên quá vội vã, mà phải ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô và dồn sức cho tăng trưởng. “Đây là thời điểm phải nghĩ rộng hơn và xa hơn, không vì sức ép tổng kết nhiệm kỳ mà lại trở về tầm nhìn ngắn hạn”-ông Thành nói.
GS. TS Trần Thọ Đạt đồng tình và khẳng định, Việt Nam cần tiếp tục hy sinh tăng trưởng trong những năm tới để đổi lại những đầu tư dài hạn, căn bản. Ông Đạt đưa ra 4 khuyến nghị, trong đó nội dung quan trọng nhất là cắt giảm các loại thuế phí và chi tiêu công. Chính sách này giúp DN tăng chi tiêu đầu tư, giúp hình thành lượng vốn và năng lực sản xuất nền kinh tế trong tương lai. “Việt Nam nên có lộ trình cắt giảm mạnh thuế thu nhập DN xuống 20% hoặc thấp hơn vào năm 2015. Cùng với đó cắt giảm chi tiêu ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên, hiện đang chiếm tới 20% GDP (gấp hơn 3 lần chi đầu tư phát triển), từ đó có thể giảm mức bội chi ngân sách xuống 3% thay vì gần 5% GDP như hiện nay. Một khuyến nghị nữa là đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN; quyết liệt trong phòng chống tham nhũng để cải thiện môi trường kinh doanh...