Cần giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển Đông

Từ phải sang: Ông Commodore Michiel Hijmans, GS. TS Erik Franckx, TS Trần Trường Thủy (Học viện Ngoại giao) tại Tọa đàm ngày 13/6. Ảnh: Thái An
Từ phải sang: Ông Commodore Michiel Hijmans, GS. TS Erik Franckx, TS Trần Trường Thủy (Học viện Ngoại giao) tại Tọa đàm ngày 13/6. Ảnh: Thái An
TP - Hôm qua tại Hà Nội, cả thành viên Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại La Hay, Hà Lan và chuyên gia quân sự nước ngoài đều nhấn mạnh rằng, các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình, các nước đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế, phán quyết của tòa.

Ngày 13/6, Học viện Ngoại giao cùng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Tọa đàm “Quản lý và giải quyết các vấn đề biển phức tạp”.

Chiến lược an ninh biển

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề Tọa đàm, ông Commodore Michiel Hijmans, cựu phó đại diện quân sự của Hà Lan tại NATO và EU ở Brussels (Bỉ), nói rằng, giới chuyên gia, học giả nói riêng, cộng đồng quốc tế nói chung đều hết sức quan ngại trước tình hình quân sự hóa ở biển Đông vì nhiều nước chưa tìm được tiếng nói chung và có những ưu tiên khác nhau trong chiến lược an ninh biển. Ông Hijmans dẫn nhiều ý kiến cho rằng, trong tương lai không xa, Trung Quốc có thể áp đặt Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông. 

“Một số nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc đang tăng cường lực lượng Hải quân. Họ làm thế vì họ nghĩ rằng, điều quan trọng là phải cải thiện khả năng đối phó các vấn đề an ninh biển. Tôi không muốn nói thêm về AIDZ vì đó là một vấn đề chính trị. Theo ý kiến cá nhân tôi, các vấn đề cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phi bạo lực. Đó luôn là phương cách tốt nhất”, ông Hijmans nhận định.

Nhiều nhà phân tích nhận xét, Trung Quốc gia tăng hoạt động trên biển Đông trước khi PCA ra phán quyết đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc (dự kiến được đưa ra trong tháng này, hoặc muộn nhất là tháng sau). Bắc Kinh luôn cho rằng đơn kiện của Manila là trái với luật pháp quốc tế, đồng thời khăng khăng từ chối tham gia tiến trình pháp lý của Tòa trọng tài, tuyên bố sẽ không chấp nhận phán quyết của tòa. 

“Với cách hành xử như vậy, Trung Quốc đã làm xói mòn vai trò của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) trong việc cung cấp nền tảng pháp lý cho trật tự tốt ở biển Đông”, GS Carlyle Thayer, Học viện Quốc phòng Úc, trao đổi với phóng viên Tiền Phong gần đây. 

Theo GS Thayer, vụ kiện của Philippines liên quan tới tất cả các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông. Philippines cho rằng, những thực thể này hoặc là bãi cạn nửa chìm nửa nổi hoặc là bãi đá. Bãi cạn nửa chìm nửa nổi không có bất kỳ vùng biển nào, trong khi bãi đá có lãnh hải 12 hải lý và không phận phía trên, nhưng không có vùng đặc quyền kinh tế.

Tại Tọa đàm, ông Hijmans phát biểu, an ninh biển là một trong những ưu tiên lớn nhất của thế giới vì dính dáng nhiều thách thức, nguy cơ khác nhau, như tranh chấp lãnh thổ, cướp biển, khủng bố, thiên tai, ô nhiễm, di cư, khai thác hải sản quá mức… 

Vì vậy, các nước cần có chiến lược an ninh biển toàn diện, liên quan nhiều bộ, ngành, không chỉ có mỗi lực lượng hải quân. Theo ông, chiến lược an ninh biển cần “xác định các lợi ích chiến lược toàn diện, nhận diện mọi nguy cơ, thách thức, rủi ro, và tổ chức phản ứng tổng thể theo kiểu điều phối”. 

Ông Hijmans vạch ra kế hoạch hành động cho chiến lược an ninh biển, bao gồm: hành động đối ngoại; nhận thức, giám sát và chia sẻ thông tin; phát triển năng lực; quản lý rủi ro, bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu, phản ứng khủng hoảng; nghiên cứu, đưa ra sáng kiến về an ninh biển, giáo dục và đào tạo. “Các nước cần tăng cường hợp tác, làm việc cùng nhau là chìa khóa dẫn tới thành công”, ông nói.

Trông đợi phán quyết của tòa trọng tài

Tại Tọa đàm, GS.TS Erik Franckx, thành viên PCA, Trưởng khoa Luật Quốc tế và Luật châu Âu, Đại học Vrije (Bỉ), trình bày tổng quan về vụ Philippines kiện Trung Quốc, vai trò của luật pháp quốc tế trong việc quản lý, giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo. 

Ông đề cập tuyên bố lập trường của các nước liên quan, đặc biệt là Trung Quốc và Philippines. Theo GS.TS Franckx, phán quyết của Tòa trọng tài đang đến gần và Trung Quốc còn rất ít thời gian để đối phó, và một trong những cách để nước này cứu vãn tình hình là đưa ra một tuyên bố lập trường mới.

Kết luận phần trình bày của mình, GS.TS Franckx nêu câu hỏi: “Liệu Trung Quốc có được chiếc bánh của mình và ăn nó?”. Câu trả lời căn cứ vào lập trường kiên quyết của Trung Quốc rằng “nước này sẽ không chấp nhận hoặc tham gia Tòa trọng tài”. “Đối với việc tham gia, câu trả lời có thể là có. Đối với việc chấp nhận quyết định, một khi phán quyết đã được đưa ra, câu trả lời hầu như chắc chắn là không”, ông Franckx nói.

Nguy cơ Trung Quốc tăng cường quân sự hóa đảo nhân tạo

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Carlyle Thayer cho rằng, một khi hoàn thành hoạt động xây dựng trên các đảo nhân tạo và củng cố mạng lưới radar cũng như hệ thống tình báo điện tử, Trung Quốc sẽ gia tăng đáng kể năng lực tình báo, giám sát, trinh sát và nhận thức lĩnh vực biển trên cơ sở 24/7 (suốt ngày đêm). “Mạng lưới này có thể hỗ trợ việc triển khai máy bay giám sát, kiểm soát và cảnh báo sớm trên không, máy bay không người lái, máy bay vận tải, máy bay tiếp liệu, máy bay chiến đấu, máy bay ném bom. Vì thế, sẽ nâng cao năng lực của Trung Quốc trong việc theo dõi và phản ứng với các hoạt động quân sự của Mỹ trong vùng biển Đông Nam Á. Các lực lượng Mỹ có thể gặp rủi ro lớn hơn từ phía Trung Quốc”, GS Thayer nhận định. Và theo ông, một trong những hoạt động gây lo ngại nhất về mặt chiến lược đối với Mỹ, các đồng minh và đối tác sẽ là việc Trung Quốc phát triển các cơ sở trên đá Chữ Thập để hỗ trợ sự đồn trú của tàu ngầm truyền thống và hạt nhân.

MỚI - NÓNG