Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đang rà soát toàn bộ hơn 50 dự án BOT đã hoàn thành và đưa vào khai thác để điều chỉnh mức phí theo hướng giảm. Hiện, đã có 31 dự án BOT được điều chỉnh giảm mức giá vé khi qua trạm. Dự kiến, sau khi Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát với chủ đầu tư các dự án để thống nhất điều chỉnh phương án tài chính theo hướng giảm phí cho người dân trong vùng ảnh hưởng gần trạm thu phí cũng như giảm chung cho các phương tiện hoàn thành, Bộ GTVT sẽ xem xét, phê duyệt. Nếu được thông qua, tháng 11 tới sẽ tiến hành giảm phí tại hầu hết các trạm BOT.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc Bộ GTVT rà soát, giảm phí BOT là triển khai theo chỉ đạo chung của Thủ tướng. Trong năm 2017, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành đẩy mạnh giảm các loại phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp (DN), người dân. Đối với lĩnh vực giao thông, đó chính là nỗ lực giảm phí BOT.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, điều người dân mong mỏi có được sự công khai, minh bạch lộ trình giảm phí này. “Trước hết, cần công khai số liệu tổng mức đầu tư của nhà đầu tư? Tiếp đó là tổng mức đầu tư kiểm toán? Mức thu phí theo lộ trình như thế nào? Thời hạn thu đã phù hợp chưa. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính, hệ thống ngân hàng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…cũng cần vào cuộc, công khai minh bạch các vấn đề liên quan đến thu phí BOT. Việc công khai cần thực hiện ngay tại trạm thu phí”, ông Thanh nói.
Ngoài ra, theo ông Thanh, Bộ GTVT cũng cần rà soát lại toàn bộ vị trí đặt trạm thu phí BOT. Chẳng hạn như trạm Cai Lậy, trạm T2 trên quốc lộ 91 từ Cần Thơ sang An Giang, chỉ mấy chục cây số mà đặt tới 2 trạm BOT…