Cần có phòng tư vấn tâm lý trong trường học

Lứa tuổi học trò mới lớn rất cần những tư vấn tâm lý kịp thời và đúng cách. Ảnh: Hồng Vĩnh
Lứa tuổi học trò mới lớn rất cần những tư vấn tâm lý kịp thời và đúng cách. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Một học sinh giữ quỹ lớp làm mất 500.000 đồng sợ hãi tự tử, một học sinh bị áp lực điểm số đã nhảy cầu không thể cứu hay có học sinh bị quấy rối tình dục cả năm trời…là những chuyện đau lòng đã xảy ra.

Nhiều học sinh đang đối đầu với áp lực từ gia đình, trường học và xã hội mà không biết chia sẻ cùng ai. Thế nhưng, hầu hết các trường học hiện nay lại không có Phòng tư vấn tâm lý cho các em.

Làm bạn với học sinh

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hường, chuyên gia tư vấn tâm lý của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (TP Hồ Chí Minh) kể, 8 năm với vai trò chuyên gia đã có hàng nghìn lượt học sinh tìm đến để sẻ chia.

Năm 2008, khi phòng tư vấn tâm lý mới thành lập, có ít học sinh tìm đến nhưng khi đã tin tưởng học sinh tìm đến nhiều hơn, các em chia sẻ cả những chuyện rất tế nhị. Có học sinh rụt rè đến gặp chia sẻ cảm xúc chán nản, mất động lực để sống. Có học sinh vẻ mặt sợ hãi đưa một mẩu giấy lên nhờ cô tư vấn vì bạn thân viết ngày giờ sẽ tự tử. Có học sinh lại hay có thái độ chống đối giáo viên đứng lớp…

“Đôi khi, các em chỉ cần một người bạn để trút nỗi niềm hơn là một nhà tư vấn tâm lý. Vì vậy, trong mọi câu chuyện, giáo viên thường trong vai trò một người bạn để nghe chuyện và chia sẻ”, chị Hường cho biết.

Qua tìm hiểu những trường hợp học sinh tự tử, có những em rất bơ vơ về mặt tinh thần rất đáng thương xót nhưng cũng có em tìm đến cái chết vì những chuyện rất nhỏ nhặt, không đáng. Lứa tuổi học sinh nếu có ý nghĩ tiêu cực cũng chỉ xuất hiện trong thoáng chốc vì một lý do nào đó. Học sinh tự tử thường có bản lĩnh thấp, hay bị xúc động, nghĩ vẩn vơ. Vì thế, phụ huynh phải hiểu con mình ở trạng thái tâm lý nào, không chờ đến khi con nói mà thường xuyên quan tâm, hỏi han để biết con đang làm gì, chơi với ai. Nhiều phụ huynh cũng tìm đến phòng tư vấn tâm lý than phiền vì khoảng cách giữa bố mẹ con cái ngày càng xa, trẻ không chịu hợp tác, chia sẻ do bố mẹ dành quá nhiều thời gian cho công việc.

Giáo viên tư vấn tâm lý Trường THPT Marie Curie (TP Hồ Chí Minh) chị Bùi Thị Kiều cho rằng, nguyên nhân khiến trẻ có tâm lý, hành vi tiêu cực xuất phát từ những chuyện như: bố mẹ li hôn, bị áp lực bởi thành tích học tập, có vấn đề trong quan hệ với bạn bè. Chị Kiều tiết lộ, qua bài test sàng lọc tâm lý học sinh lớp 10 hàng năm, có từ 5-10% trẻ có nguy cơ tự tử, có không ít trẻ có tâm lý lo âu, trầm cảm. Đối với những trường hợp này, các chuyên gia phải gặp để trao đổi, tư vấn. Chị Kiều ví dụ, năm học 2014-2015 có học sinh mắc chứng hoang tưởng, thường xuyên có ý nghĩ sẽ giết một bạn trong lớp.

Ai trả lương cho chuyên gia tâm lý?

Ông Nguyễn Tài Dũng, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho hay, thành phố có hơn 1 triệu học sinh thì trong đó có hơn 600.000 em học bán trú ở trường. Điều này có nghĩa, đời sống của học sinh diễn ra chủ yếu ở trường. Vì thế, trường chịu gánh nặng khá lớn trong chăm sóc sức khỏe và đời sống tâm lý của các em.

Tại Hà Nội, từ năm 2008 đến nay mới chỉ có 20 trường tham gia dự án xây dựng góc tâm lý học đường do Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp tổ chức Plan International. Năm học 2014-2015 văn phòng tâm lý Trường THPT Ngô Sỹ Liên tư vấn tâm lý cho khoảng 70 học sinh. Trong đó có tới 75% em bị rối loạn hành vi không tuân thủ nội quy, trêu chọc, gây sự với bạn bè và 25% em bị căng thẳng liên quan đến học tập.

Trường THPT Minh Khai (Hà Nội), cách đây 5 năm từng có học sinh tự tử chỉ vì giận bố mẹ mắng. Khi xây dựng góc tư vấn tâm lý, hòm thư tham vấn, có học sinh lỡ lấy điện thoại, máy tính của bạn giữa đêm đã gọi điện cho giáo viên khóc và bày tỏ sự hoang mang, sợ hãi. Lúc đó, giáo viên đã trấn an học sinh, chia sẻ hướng giải quyết để mọi chuyện được êm đẹp, đảm bảo danh dự cho em đó.

Theo Trung tâm nghiên cứu cộng đồng, hơn 84,7% học sinh được hỏi than phiền về những áp lực trong học tập đã đẩy các em vào tình trạng căng thẳng, kém ăn và mệt mỏi thường xuyên. Nghiên cứu sâu ở 202 trẻ em tại một bệnh viện ở Hà Nội cho thấy, trong đó có 23,8% trẻ bị trầm cảm, 23,7% trẻ có ý định tự tử. Cũng theo một nghiên cứu với hơn 1.000 học sinh ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh năm 2014, trung bình có 54% học sinh có vấn đề về quan hệ ứng xử với bạn bè, gia đình và giáo viên; 39% hay bị ám ảnh, sợ hãi và mất kiểm soát cảm xúc; 39% bị áp lực trong học tập và thi cử, 27% nghiện game…

Nhằm hỗ trợ cho học sinh, năm 2012, ngành giáo dục của TPHCM đã ban hành quy định tạm thời về tổ chức tư vấn tâm lý trong trường học, yêu cầu mỗi trường phải có ít nhất một chuyên gia tư vấn tâm lý trong đó ưu tiên các trường THCS và THPT. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 150/1.700 trường có phòng tư vấn và chuyên gia tư vấn để học sinh, phụ huynh thậm chí cả giáo viên chia sẻ chuyện khó nói của mình. Nguyên nhân do chưa có cơ chế trả lương cho lực lượng này. Tại TP Hồ Chí Minh năm 2006 được sự hỗ trợ của UNICEF có 50 trường thành lập được phòng tham vấn nhưng khi hết tài trợ, các phòng này cũng đóng cửa!

Tại Hội thảo bàn xây dựng mô hình tư vấn tâm lý trong các trường học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tư vấn tâm lý, triển khai các chương trình phòng ngừa, can thiệp sớm các vấn đề khó khăn học sinh gặp phải là điều cần thiết phải thực hiện trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.