Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên:

Cần có lộ trình thay thế tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ sắt

Một tàu cá vỏ sắt vừa được bàn giao cho ngư dân
Một tàu cá vỏ sắt vừa được bàn giao cho ngư dân
TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, phải đẩy mạnh thực hiện chiến lược biển Việt Nam, trong đó có chính sách ưu đãi cho ngư dân vươn khơi.

Trong thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội các đại biểu đều mong muốn đầu tư mạnh hơn cho kinh tế biển, có chính sách hỗ trợ ngư dân, ông nghĩ sao?

Phát triển kinh tế biển không phải đến bây giờ chúng ta mới đặt ra. Vấn đề là khi có sự kiện xảy ra, thì các đại biểu cùng quan tâm đến kinh tế biển hơn. 

Nếu chúng ta không bình tĩnh nhìn lại thì có thể nghĩ trước nay không làm gì với kinh tế biển. Thực tế từ năm 2007, Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”.

 Cần có lộ trình thay thế tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ sắt ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Kiên

Qua 7 năm thực hiện Chiến lược biển, chúng ta đã làm được nhiều điều. Đã có chính sách hỗ trợ cho ngư dân. Một số nơi đã có nghiệp đoàn nghề cá cho bà con nông dân, các tổ chức tín dụng có chính sách ưu đãi hơn trong tiếp cận nguồn vốn của ngư dân. Nhưng đến thời điểm này, kết quả đấy vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu của tình hình mới.

Về mặt kinh tế, chất lượng thủy sản đánh bắt chưa đạt chuẩn thế giới, ví như cá ngừ đại dương so với cá ngừ của Nhật Bản thì chúng ta không đáp ứng được, chưa vươn đến công nghệ tiên tiến. 

Hiệu quả người lao động làm nghề cá giảm, làm giảm khả năng đầu tư. Phương thức sản xuất tiên tiến về nghề cá chưa có. Chưa chọn được khâu đột phá về phương thức sản xuất cho bà con.

Bây giờ có chính sách hỗ trợ như hướng đến tàu vỏ sắt lớn thì phải thực hiện đồng bộ các biện pháp. Ví như lên tàu vỏ sắt lớn thì phải đào tạo máy trưởng, thuyền trưởng như thế nào. 

Phát triển đội tàu cá công suất lớn phải đi liền với đào tạo kỹ thuật cho bà con. Cùng với đó là kết hợp phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng. 

Chúng ta đã làm tương đối tốt mối quan hệ giữa bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quân. Còn những hạn chế do thói quen của bà con như giữ bí mật ngư trường nên khi gặp sự cố thì việc cứu trợ khó khăn.

Ông đánh giá thế nào về chủ trương hỗ trợ lãi suất đóng tàu vỏ sắt mà Chính phủ vừa thông qua?

Bây giờ có chính sách hỗ trợ như hướng đến tàu sắt lớn thì phải thực hiện đồng bộ các biện pháp. Ví như lên tàu sắt lớn thì phải đào tạo máy trưởng, thuyền trưởng như thế nào. Phát triển đội tàu cá công suất lớn phải đi liền với đào tạo kỹ thuật cho bà con.

Ông Nguyễn Đức Kiên

Chúng ta đã mở cửa cho các ngư dân, doanh nhân đang làm nghề cá có thể tiếp cận với tín dụng ưu đãi. Có tín dụng giá rẻ cấp cho ngư dân là tốt rồi, nhưng làm thế nào để ngư dân sử dụng tốt nhất nguồn tín dụng còn quan trọng hơn. Đừng vận động ngư dân đóng tàu vỏ sắt ngay, bởi quản lý, bảo trì tàu sắt khác hẳn tàu gỗ, ra khơi gặp sự cố, tàu sắt xử lý khó hơn tàu gỗ. Vậy nên cứ đóng tàu sắt thì mới ưu đãi thì không đúng, theo tôi nếu đóng tàu sắt thì chúng ta phải kết hợp được nhà máy đóng tàu với người ngư dân và người cho vay.


Quan trọng nhất là hỗ trợ ngư dân 2 lĩnh vực. Thứ nhất là nguồn nhân lực (lái tàu), trước mắt cần hỗ trợ đào tạo. Thứ hai là hỗ trợ họ trong nghề cá như thế nào. Nếu họ sản xuất tập thể thì chúng ta có ưu đãi gì không? Đây chính là cái mà chúng ta phải làm. 

Nếu ngư dân lập thành những tổ đội sản xuất tập thể thì rủi ro sẽ giảm đi, nên các tổ chức bảo hiểm khi bán bảo hiểm cho họ phải rẻ hơn. Nhìn chung chúng ta phải điều hành linh hoạt trong quá trình hỗ trợ, có lộ trình thay thế tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ sắt.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG