Đã thành nếp, sau giờ huấn luyện, những chiến đấu viên ở Lữ đoàn Đặc công 113 (Binh chủng Đặc công) lại tiếp tục thao luyện trên “mặt trận tăng gia” của đơn vị.
Thượng tá Phùng Văn Quý, Phó Lữ đoàn trưởng Quân sự Lữ đoàn Đặc công 113 cho biết, mặc dù đóng quân trên địa bàn trung du, đất đai khô cằn không thuận lợi cho công tác tăng gia sản xuất, lại thường xuyên phải cơ động thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và Binh chủng Đặc công, nhưng cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn xác định phải tự lực thực hiện công tác hậu cần với cố gắng, quyết tâm cao nhất.
Năm 2015, Lữ đoàn tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch đột phá nâng cao chất lượng bảo đảm đời sống bộ đội, gắn với các phong trào thi đua “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”; “Xây dựng đơn vị nuôi quân giỏi, quản lý quân nhu tốt”; “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp” và hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Hậu cần Quân đội (11/7/1950 – 11/7/2015).
“Với diện tích tăng gia 4 hecta, do đất đai rất khô cằn, sỏi đá, chúng tôi phải chở đất màu từ nơi khác về để trồng rau xanh, cây ăn quả. Chỉ tiêu tăng gia của toàn đơn vị là phải đảm bảo từ 130-140 kilogam rau xanh/1 người/năm; 36-40 kilogam thịt lợn/1 người năm; 6kg cá/1 người năm…”, Thượng tá Phùng Văn Quý nói.
Phóng viên Tiền Phong ghi lại những hình ảnh về người lính đặc công ở Lữ đoàn Đặc công 113 trên “mặt trận tăng gia”, ngày 17/3.
Thiếu úy Tô Anh Quang, đoàn viên Đoàn cơ sở Lữ đoàn Đặc công 113 nhổ cỏ tại vườn rau thanh niên.
Phun thuốc diệt muỗi tại khu chăn nuôi.
Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thanh Thùy (Quân y Lữ đoàn Đặc công 113) trong giờ tăng gia sản xuất.
Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Đình Tuấn – Trạm trưởng trạm chế biến tập trung (trái) đang cấp phát thực phẩm cho các bếp ăn của Lữ đoàn
Chiến sĩ Mũi 1, Đội 1, Liên đội Đặc công 27 đang thực hiện chế độ kiểm tra nội vụ vệ sinh buổi sáng.