Để hoàn thành dự án, Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp phép cho các đơn vị liên quan chặt hạ 17 cây xà cừ để đảm bảo cảnh quan của tuyến đường.
Riêng cây đa cổ thụ ở phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) đã được BQL giữ lại.
Cây đa cổ thụ cao khoảng 20m.
Ngoài thân chính với đường kính 2m, cây còn có 5 – 6 rễ phụ, một số rễ có đường kính vừa hai người lớn ôm.
Một nhánh phụ của cây có đường kính khá lớn, xung quanh rất nhiều rễ cây cuốn quanh.
Nhiều người dân ở đây cho biết, cây đa có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, giống như một báu vật linh thiêng của làng nên không thể chặt bỏ.
Ông Lại Bố Trường (70 tuổi, phường Nghĩa Đô) cho hay, từ nhỏ ông đã được nghe các cụ trong làng kể về cây đa cổ này. Theo đó, tuổi đời của cây đa này ít nhất cũng khoảng 200 năm tuổi. Ông Trường cho biết, điểm độc đáo của cây đa cổ thụ này là trông nó giống như thế của một chú ngựa đang phi, trong đó, đầu hướng về phương Nam, đuôi hướng về phương Bắc.
"Cây đa cổ này không chỉ giống như một "di tích" văn hóa của làng mà còn là nhân chứng lịch sử chứng kiến biết bao đổi thay của làng", ông Trường nói.
Để phục vụ dự án đường nối từ Nhật Tân về Cầu Giấy, Hà Nội phải giải phóng trên 1.500 hộ dân, trong đó có cả những cơ quan tổ chức và các công trình văn hóa.
Trao đổi với PV, đại diện BQL cho biết, khi lập dự án này cách đây 4 – 5 năm, đơn vị đã tính toán đến phương án tối ưu nhất để bảo tồn những cây đa cổ thụ, việc giữ lại cây đa nay không ảnh hưởng đến giao thông cũng như phát sinh thêm chi phí giải phóng mặt bằng của dự án.