Việc người dân ở phường Văn Miếu (Hà Nội) bị “hành” khi đi xin giấy chứng tử gây bức xúc cho xã hội những ngày qua. Là người nghiên cứu về cải cách bộ máy hành chính, ông thấy sao về điều này?
Thú thực, tôi cũng vừa trải qua quá trình đi xin giấy chứng tử nên tôi hiểu rất rõ. Phải nói đó là một ngày kinh hoàng, gian nan vất vả. Nhưng thật may mắn vì đến phút cuối tôi cũng lấy được và không bị chậm. Vấn đề đặt ra là, những người không được may mắn như thế thì sao? Họ sẽ nghĩ gì về bộ máy hành chính của chúng ta?
Về quy trình, khi gia đình có người chết, người thân trong gia đình phải ra phường khai. Sau đó cầm giấy về xin xác nhận của tổ dân phố, rồi lại lên phường xin chữ ký. Vấn đề ở chỗ, nếu xảy ra trục trặc, chẳng hạn như tổ trưởng tổ dân phố đi vắng, người đi khai phải đi tìm. Nếu tìm được thì may quá, còn nếu không tìm được thì sao? Chỉ riêng công đoạn đó cũng mất rất nhiều thời gian rồi.
Tiếp theo đó, chúng ta phải đợi phường xem xét. Giả sử anh cán bộ phường bận việc, hay đi vắng lại phải chờ. Làm thủ tục xong mới chuyển cho phó chủ tịch UBND phường ký. Giả sử nếu vị này cũng đi vắng thì sao? Việc này hoàn toàn có thể xảy ra và tệ hại nhất là tình huống cả phường lại kéo nhau đi nghỉ mát. Trong khi đó người mất thì phải được chôn cất, mà khi làm thủ tục họ đều hỏi giấy chứng tử. Nếu không có thì đương nhiên không làm được. Cho nên khoảng thời gian đó là vô cùng căng thẳng, vô cùng khó khăn phức tạp.
Được biết việc này đã được thực hiện bằng điện tử, đăng ký online. Phải chăng khâu cải cách thủ tục hành chính trong trường hợp này chưa thực sự hiệu quả, thưa ông?
Việc áp dụng cải cách bằng đăng ký online trong trường hợp này còn làm rối ren hơn, không giảm nhẹ được sự phiền toái của người dân mà còn làm tăng thêm phiền hà. Thực tế thì không phải ai cũng có máy tính và nếu những người không biết đăng ký online thì sao?
Cải cách hành chính cần phải được tiến hành một cách thực chất chứ không theo kiểu hô hào, cải cách đâu đâu. Những gì xác thực nhất phải được thực hiện tốt nhất theo đúng yêu cầu của người dân.
Giấy chứng tử là vấn đề cấp thiết của người dân, nếu phát hiện sự vô cảm, sai sót của cán bộ phải đình chỉ công tác ngay. Chưa làm giấy khai sinh hôm nay có thể để ngày mai, nhưng người đã chết thì phải được chôn cất. Cán bộ “hành” dân khi làm giấy chứng tử đã làm mất uy tín của toàn bộ hệ thống chính quyền, cần cho thôi chức ngay lập tức.
Không có sức ép nên cứ ì ra
Rất nhiều rắc rối phát sinh ngay từ bộ phận một cửa. Nhiều ý kiến cho rằng, bộ phận này đang bị coi nhẹ khi nhiều cán bộ làm việc dưới dạng hợp đồng hoặc thuộc diện con ông cháu cha?
Ở đây chúng ta thường có quan niệm sai lầm, coi những công việc hành chính là đơn giản, ai làm cũng được, ai không làm được việc thì nhét vào đó. Nhưng người ta không biết rằng, đã nằm trong bộ máy hành chính, dù ở cấp nhỏ nhất cũng phải là chuyên nghiệp, phải được huấn luyện tử tế, phải có cả đạo đức và kỹ năng.
Có tình trạng này vì bộ máy rất cồng kềnh, không ai giám sát được. Cũng vì dựa vào quan hệ rất nhiều nên những người ngồi đấy họ chẳng chịu sức ép với ai cả, ngoài cái gọi là chịu ơn với chính người đưa họ vào. Vì thế họ làm việc chủ yếu là chịu trách nhiệm với những người đưa họ vào chứ không phải chịu trách nhiệm trước người dân.
Theo ông, điều gì quan trọng và cần thiết nhất với người cán bộ trong bộ máy hành chính hiện nay?
Một nền hành chính muốn gì thì muốn cũng phải đặt trên nền tảng của đạo lý và đạo đức. Rút cục những người nằm trong bộ máy hành chính cần phải có đạo đức, và bộ máy đó phải vì người dân, nếu không dù có cải cách bao nhiêu cũng vô ích.
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra để tăng cường trách nhiệm của cán bộ công chức. Vậy phải chăng những giải pháp này chưa thực sự hiệu quả, thưa ông?
Điều quan trọng nhất ở đây là bộ máy hành chính phải chịu sức ép để làm việc. Sức ép đầu tiên là người đó phải chịu trách nhiệm trước dân. Vì thế dân phải là người bầu ra bộ máy hành chính. Kế đến cần phải có một cơ chế đủ mạnh để đặt sức ép lên họ. Nếu không có sức ép thì người ta sẽ ì ra, không chịu làm gì cả.
Thứ nữa, phải có sự giám sát của các tổ chức xã hội. Nếu cứ xuê xoa với nhau thì không được. Quyền dân chủ ở đây là người dân có quyền được bầu và có quyền giám sát. Khi giám sát, nếu bộ phận nào, con người nào không làm việc hiệu quả thì phải rời khỏi bộ máy.
Cảm ơn ông.
“Cũng vì dựa vào quan hệ rất nhiều nên những người ngồi đấy họ chẳng chịu sức ép với ai cả, ngoài cái gọi là chịu ơn với chính người đưa họ vào. Vì thế họ làm việc chủ yếu là chịu trách nhiệm với những người đưa họ vào chứ không phải chịu trách nhiệm trước người dân”.
PGS.TS Phạm Bích San
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:
Cá biệt nhưng tác động ghê gớm
Là thế hệ đi trước, chúng tôi thấy đau lòng trước cách xử sự như Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cũng như sự việc xảy ra trong vụ cấp giấy chứng tử ở phường Văn Miếu. Hai sự việc tuy cá biệt nhưng tác động rất ghê gớm khi được đưa lên mạng xã hội khiến nhiều người đánh giá không tốt về đội ngũ cán bộ hiện nay. Với trường hợp xin giấy chứng tử ở phường Văn Miếu, các cơ quan nhà nước cần thanh tra khách quan, trung thực, cán bộ chính quyền sai thì xử lý đúng theo quy định, còn cái gì người dân phản ảnh không đúng cũng cần nhắc nhở.
Tôi rất thông cảm với anh em cán bộ cơ sở. Trước đây tôi từng phát biểu: Cán bộ cơ sở là cán bộ thở không ra hơi, bơi không hết việc, liếc không hết công văn, ăn không đủ, ngủ không yên, 24 giờ liên miên, nhưng lương thời điểm đó chỉ 180 nghìn đồng. Bây giờ cán bộ cơ sở điều kiện thuận lợi hơn nhiều, hưởng thụ khá hơn nhiều nhưng lại để xảy ra như thế, ứng xử với dân như vậy thì thật là đáng tiếc.
Thành Nam (ghi)