Theo ông Quang, tính ra, mỗi năm cần khoảng 1,2-1,3 tỷ USD. Trong xu thế huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) khó khăn và giảm dần, ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc tăng cường huy động các nguồn vốn từ tư nhân để đầu tư vào lĩnh vực cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường là hết sức quan trọng.
Sự tham gia của các khu vực kinh tế tư nhân không chỉ giảm áp lực cho ngân sách, chia sẻ trách nhiệm đóng góp nguồn lực cho đầu tư phát triển mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí vận hành, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Ông Quang cho biết, chủ trương khuyến khích các khu vực tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng ngành cấp nước, vệ sinh môi trường đô thị đã được thể chế hóa trong các định hướng chiến lược, quy hoạch và cả quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân chưa thật mặn mà với lĩnh vực này. Điều này thể hiện ở số lượng các dự án còn khiêm tốn, với 14 dự án đã triển khai theo hình thức PPP và 13 dự án khác đang trong quá trình nghiên cứu. Các dự án này chủ yếu triển khai theo hình thức hợp đồng BOT, BOO và BT tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Quang, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do tính hấp dẫn đầu tư trong các lĩnh vực này chưa cao; môi trường đầu tư còn tồn tại nhiều rủi ro; các doanh nghiệp được nhà nước giao quản lý công trình cấp thoát nước còn chậm đổi mới, thụ động. Trong khi đó, theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), để xảy ra thực trạng trên còn do các quy định về sự sở hữu và điều kiện tài sản chưa đảm bảo.