Cảm xúc cử tri trẻ

Nguyễn Thế Hoàn hoàn thành quyền và nghĩa vụ cử tri. Ảnh: Xuân Tùng.
Nguyễn Thế Hoàn hoàn thành quyền và nghĩa vụ cử tri. Ảnh: Xuân Tùng.
TP - Ngày 22/5, đông đảo cử tri trẻ lần đầu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân tại các điểm bỏ phiếu ở khu nội trú, trường học, khu công nghiệp (KCN).

Gặp lại Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu

Nguyễn Thế Hoàn – Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015, là một trong hơn nghìn cử tri là sinh viên nội trú KTX Mễ Trì thuộc ĐHQG Hà Nội - khu vực bỏ phiếu số 9, phường Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội). Hoàn là chàng trai vàng của Toán học Việt Nam, từng đoạt 2 HCV Olympic Toán học quốc tế (năm 2014, 2015), nhận được nhiều học bổng uy tín và tặng thưởng của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng GD&ĐT… Cầm trên tay thẻ cử tri với dấu đỏ xác nhận đã bầu cử, Hoàn nói: “Năm nay mình 19 tuổi, lần đầu được tham gia ngày hội lớn của dân tộc, lại là người bỏ lá phiếu đầu tiên ở KTX Mễ Trì nên rất vinh dự, tự hào”.

Hoàn cho biết, trước ngày bầu cử hàng tuần đã tìm hiểu thông tin tiểu sử của các ứng viên nên tự tin là đã lựa chọn được đại biểu mà bản thân tâm đắc, tin tưởng nhất. Qua lá phiếu, Hoàn gửi nguyện vọng đến các đại biểu trúng cử như tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho người trẻ rèn luyện, học tập; định hướng nghề nghiệp, việc làm cho người trẻ. “Mình mong muốn các đại biểu trúng cử sẽ đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp giúp Quốc hội, Chính phủ đưa ra nhiều chủ trương chính sách thu hút nhân tài trong và ngoài nước cống hiến cho đất nước”, Hoàn nói.

Với Hoàn đi bỏ phiếu tại KTX Mễ Trì có ý nghĩa rất đặc biệt. “Đi bầu cử ở KTX đánh dấu mốc trưởng thành từ cậu học trò cấp 3 đến một công dân thực thụ. Đây cũng như lời chia tay ý nghĩa với KTX vì năm sau mình sẽ bắt đầu đi du học”, Hoàn chia sẻ.

“Gắn với lá phiếu nhỏ là quyền và nghĩa vụ lớn, cao cả của mỗi công dân. Từ những lá phiếu nhỏ góp lại, sẽ góp phần chọn ra những người tài giỏi xứng đáng nhất để xây dựng đất nước, mở rộng tương lai cho thế hệ trẻ”. 

Cử tri Lê Yên Thanh (22 tuổi) - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015

Vừa trở về sau cuộc thi Lập trình viên quốc tế lần thứ 40 tại Thái Lan, Lê Yên Thanh (22 tuổi), Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015, hồi hộp lần đầu được thực hiện quyền cử tri. Thanh là sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM từng đạt giải Nhất cuộc thi Lập trình sinh viên Quốc tế ACM/ICPC khu vực châu Á 2015; Giải nhì Nhân tài Đất Việt 2015; Giành Cúp Bạc Siêu cúp Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam; Giải thưởng Honda Y-E-S dành cho 10 kỹ sư và nhà khoa học trẻ Việt Nam năm 2015 và Gương điển hình tiên tiến toàn quốc...

Chung cảm xúc lần đầu đi bỏ phiếu, Thanh nói: “Gắn với lá phiếu là quyền và nghĩa vụ cao cả của mỗi công dân...”. Thanh cho rằng, việc nghiên cứu thông tin tiểu sử, chương trình hành động và bỏ phiếu bầu ra người xứng đáng nhất của mỗi cử tri trẻ cũng quan trọng như việc rèn luyện học tập, lao động sản xuất và nghiên cứu khoa học. “Cả hai đều hướng chung đến mục đích xây dựng phát triển kinh tế, xã hội”. Thanh hy vọng các đại biểu trúng cử quan tâm nhiều hơn nữa tới việc phát triển giáo dục, nghiên cứu khoa học, tạo môi trường phát triển thuận lợi cho người trẻ.

Cảm xúc cử tri trẻ ảnh 1

Lê Thị Mai Trang tham gia hỗ trợ công tác trước và trong bầu cử tại KTX Mễ Trì. Ảnh: Xuân Tùng.

Cử tri và tình nguyện

Không chỉ vinh dự lần đầu thực hiện quyền và nghĩa vụ của một cử tri, nhiều bạn trẻ là sinh viên còn tình nguyện tham gia các hoạt động hỗ trợ trước và trong ngày hội bầu cử. Lê Thị Mai Trang (20 tuổi) sinh viên khoa Ngôn ngữ học, ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội, là một trong nhiều thành viên trong ban đại diện sinh viên nội trú KTX Mễ Trì. Trong ngày 22/5, Trang cùng với các thành viên tham gia hỗ trợ hướng dẫn cử tri quy trình bỏ phiếu; lên từng phòng ở đôn đốc các cử tri đi bỏ phiếu… Trước đó cả tuần, Trang là giọng đọc chính của đài phát thanh KTX phát đi các nội dung liên quan bầu cử. Cầm lá phiếu trong tay, Trang chia sẻ: “Đi bầu cử là khẳng định mình đã lớn, trưởng thành, thể hiện trách nhiệm với đất nước”. Trang cho hay, lần đi bầu này có phần đặc biệt khi được bỏ phiếu tại KTX cùng với đông đảo các sinh viên đến từ nhiều vùng miền, thành phần dân tộc khác nhau. “Đây sẽ là kỷ niệm đáng nhớ của quãng đời sinh viên” - cô nói.

Đỗ Thị Minh Phương (21 tuổi), sinh viên khoa Xây dựng Đảng lần đầu thực hiện quyền và nghĩa vụ cử tri tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền - khu vực bỏ phiếu số 11, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội. “Mình là người dân tộc Tày, quê Bắc Kạn, cảm thấy vui khi được hòa vào ngày hội của dân tộc và tự tay bỏ lá phiếu ngay tại Thủ đô Hà Nội”, Phương cười rạng rỡ.

Cảm xúc cử tri trẻ ảnh 2

Đỗ Thị Minh Phương (21 tuổi), sinh viên khoa Xây dựng Đảng đi bầu cử tại Thủ đô. Ảnh: Xuân Tùng.

Kỳ vọng của công nhân trẻ

Dù trời mưa, nhưng từ sáng sớm, nhiều công nhân lao động tại KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đã có mặt tại các điểm bầu cử. Băng rôn, khẩu hiệu rực đỏ trên đường từ trong KCN đến các dãy chung cư, nhà trọ công nhân. Tại điểm bầu cử số 8, khu nhà công nhân, chung cư Kim Chung (KCN Thăng Long) chị Nguyễn Hồng Tươi, 24 tuổi, công nhân nhà máy Canon cho biết: “Đây là lần đầu tiên mình đi bỏ phiếu tại Thủ đô. Ngay từ trước khi diễn ra ngày bầu cử, mình đã dành thời gian để tìm hiểu thông tin đại biểu ứng cử, từ đó có thể lựa chọn được những đại biểu xuất sắc, đại diện quyền lợi cho người lao động như bọn mình”.

Anh Hoàng Trung Huy, 27 tuổi, công nhân nhà máy Yamaha, có thâm niên hơn 5 năm lập nghiệp ở Hà Nội cũng có mặt từ sớm tại điểm bầu cử, nói: “Mình nghiên cứu rất kỹ thông tin và có thể thuộc lý lịch của những người ứng cử. Nên tin chắc là đã chọn đúng...”.

Cảm xúc cử tri trẻ ảnh 3

Bùi Thị Loan, 23 tuổi, công nhân nhà máy SEED bỏ phiếu. Ảnh: Quang Lộc.

Chăm chú nghiên cứu các ứng viên, chị Bùi Thị Loan, 23 tuổi, công nhân nhà máy SEED cho biết, đây là lần đầu chị trực tiếp đi bầu cử ở khu chung cư của KCN. “Mình gửi gắm kỳ vọng vào các ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND khóa tới giải quyết 2 vấn đề là nhà trẻ, trường học cho con em công nhân khu công nghiệp và đảm bảo đầy đủ các chế độ cho công nhân”, chị Loan nói.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.