Ngày 24/7 tại buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp HĐND TP Hà Nội, nhiều cử tri quận Hoàn Kiếm bày tỏ ý kiến xung quanh đề án Quản lý phương tiện cá nhân của thành phố vừa thông qua. Cử tri quận Hoàn Kiếm cho rằng, việc cấm xe máy hoạt động trong nội thành là không khả thi, khó thực hiện, thậm chí đây chỉ là giải pháp phục vụ cho những người đi ô tô.
Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) cho rằng, Nghị quyết HĐND TP Hà Nội vừa thông qua đến năm 2030 cấm xe máy hoạt động trong các quận nội đô, là không khả thi, khó thực hiện bởi hạ tầng giao thông hiện nay là quá kém, xuống cấp, thiếu đồng bộ.
Theo cử tri Toán, hầu hết người dân có mức thu nhập trung bình chủ yếu tích cóp mua xe máy để thuận tiện đi lại vào những nơi ngõ hẻm, sâu, dễ tìm chỗ để bảo quản tài sản. Phương tiện công cộng trên địa bàn thành phố hiện chưa đáp ứng nhu cầu, giờ cao điểm chen chúc, bỏ chuyến, thái độ lái phụ xe phục vụ chưa tốt, thậm chí thiếu văn hóa.
“Người dân nghèo không có ô tô thì sao? Như vậy khác gì chỉ bảo vệ cho người giàu sang đi ô tô”, cử tri Toán phân tích.
Để giảm ùn tắc giao thông trong nội thành Hà Nội hiện nay, cử tri Toán đề nghị hạn chế thấp nhất việc xây dựng nhà cao tầng để bán căn hộ trong các quận nội thành. Như vậy mới giảm được dân số, giảm được các phương tiện cá nhân, hạ chế được việc quá tải của hạ tầng hiện nay.
Còn cử tri Nguyễn Văn Dũng (phường Hàng Đào) kiến nghị thành phố không nên cấm xe máy triệt để tại khu vực nội đô mà chỉ hạn chế dần theo lộ trình cụ thể. “Muốn hạn chế xe máy trước hết phải có lộ trình, trong đó có việc giảm đăng ký mới xe máy. Nếu cứ như hiện nay đến năm 2030 thành phố sẽ có gần 10 triệu chiếc xe máy hoạt động”, cử tri Dũng kiến nghị.
Cũng theo cử tri Dũng, Hà Nội cần phát triển mạng lưới giao thông công cộng rộng khắp thành phố. Bởi theo cử tri, nếu phương tiện giao thông công cộng thuận tiện thì người dân mới bỏ xe máy đi xe buýt.
Hà nội chỉ hạn chế xe máy chứ không cấm
Trả lời ý kiến cử tri, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, đề án của thành phố phấn đấu đến 2030 chỉ hạn chế phương tiện cá nhân chứ không cấm hẳn.
Theo ông Chung hiện đang đẩy mạnh hệ thống giao thông công cộng, thành phố sẽ xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, tăng xe buýt, tăng tuyến... Đến 2020, Hà Nội sẽ có thêm thêm 1500 xe buýt, với nhiều loại hình như buýt mini, buýt phục vụ du lịch... Đến năm 2030, hệ thống phương tiện công cộng phải đảm bảo phục vụ 50-70% hành khách thì mới tiến hành hạn chế dần xe máy và các phương tiện cá nhân.
Lãnh đạo thành phố cũng cho hay, Hà Nội cũng sẽ tập trung đầu từ các tuyến metro với tổng mức đầu tư lớn. Hà Nội đã kêu gọi thành công 3 nhà đầu tư nước ngoài, 6 nhà đầu tư trong nước theo hình thức PPP. Các dự án này sẽ được tạo điều kiện tối đa để sớm đi vào hoạt động, giảm áp lục hạ tầng, phục vụ nhân dân. “Việc tổ chức không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thời gian qua ngoài việc biến nơi đây thành sản phẩm du lịch, thu hút du khách thì còn để thí điểm cấm phương tiện cá nhân vào dịp cuối tuần để các cơ quan quản lý nghiên cứu, tổng kết để mở rộng ra các khu vực khác của quận Hoàn Kiếm...”, ông Chung cho biết.
Ông Chung cũng cho biết, trước mắt, thành phố sẽ sớm triển khai mô hình về xe đạp công cộng để phục vụ du lịch cũng như nhu cầu của người dân Thủ đô.