Theo đó, tại cuộc tọa đàm về hạn chế xe cá nhân do Báo Giao thông tổ chức sáng 29/7, ông Lê Đỗ Mười - Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển Giao thông GTVT (cơ quan được Hà Nội mời tiến hành lập đề án hạn chế xe cá nhân) đã giải thích về con số 90% người dân Hà Nội đồng ý cấm xe máy khiến dư luận nghi ngờ những ngày qua.
Ông Mười cho hay, không có từ cấm trong đề án mà dùng từ "dừng sử dụng xe máy" đúng theo chủ trương cũng như đúng chỉ đạo của Thành phố, không vi phạm quyền sở hữu tài sản là xe máy của người dân.
Về số mẫu khảo sát 15.000 người, ông Mười cho rằng, không thể có 1 cuộc điều tra toàn bộ người dân thành phố mà chỉ có phương pháp chọn mẫu tại các quận huyện, kể cả đối tượng sử sụng xe máy đến đối tượng không đi xe máy.
"Chúng tôi cùng với cảnh sát khu vực, tổ trưởng tổ dân phố, phát phiếu đến tất cả các hộ dân đã được lựa chọn. Số lượng phiếu ra hơn 16.000 phiếu, thu về hơn 15000" - ông Mười cho biết.
Cũng theo ông Mười, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ ủng hộ đề án tăng cường quản lý, hạn chế hoạt động của phương tiện giao thông cá nhân của người dân thủ đô là 84%, trong khu vực Vành đai 3 là trên 85%. Trong số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy là trên 90%.
Ngoài ra, trên 71% người dân được lấy ý kiến ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông; trong đó khu vực Vành đai 3 có số người được lấy ý kiến ủng hộ là hơn 67%.
Ông Mười khẳng địnhh, trên mẫu phiếu khảo sát có chữ ký của từng người được hỏi, cả tổ trưởng tổ dân phố và cảnh sát khu vực.
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong tại buổi tọa đàm, ông Mười cho biết thêm, khảo sát được thực hiện trên toàn bộ các quận huyện, không chỉ thực hiện ở các quận trung tâm.
Ông Mười cũng lưu ý, người dân đồng ý dừng sử dụng xe máy kèm với nhiều điều kiện, trong đó có điều kiện về năng lực giao thông công cộng phải lên đến 50%, chứ không phải điều kiện hiện nay.
Trong điều kiện hiện nay, cũng tại tọa đàm, TS Chu Hữu Minh đến từ Đại học Bách khoa TP HCM dẫn kết quả nghiên cứu từ dự án “Sở hữu và sử dụng xe máy, xe gắn máy và xe máy điện ở Hà Nội” của Worldbank năm 2014 cho thấy kết quả chưa mấy khả quan.
Kết luận quan trọng nhất từ nghiên cứu cho thấy sở hữu và sử dụng xe máy ở Hà Nội có tính ổn định rất cao và người sử dụng xe máy thể hiện họ không muốn thay đổi lựa chọn đi lại hiện nay mặc dù họ rất lo ngại về an toàn, điều kiện giao thông và môi trường liên quan đến việc sử dụng xe máy.
Xe máy chiếm tỷ lệ cao nhất trong dòng giao thông. Điều tra chọn mẫu xác định tỷ lệ xe máy trong dòng xe là 85,8%, ô tô là 12,3%, buýt là 0,7% và xe tải 1,2%. Theo nghiên cứu này, những người sử dụng xe máy không sẵn lòng chuyển sang phương thức vận tải khác trong tương lai gần.
Họ thấy rằng vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là xe buýt, không có những ưu điểm của xe máy và không đủ hấp dẫn so với xe máy. Xe máy tận dụng diện tích mặt đường hiệu quả hơn ô tô về số người đi trên bất kỳ tiết diện nào của đường.
Một ô tô chiếm dụng diện tích đường gấp 7 lần một chiếc xe máy. Mặc dù ô tô có thể chuyên chở người nhiều hơn xe máy (2.34 người/ô tô so với 1.22 người/xe máy), sự khác biệt trên sẽ giảm đáng kể nếu tính đến các lái xe ô tô chuyên nghiệp Trong khi sở hữu tăng 15% sẽ đặt ra những thách thức, những thách thức này sẽ không đáng kể so với những khó khăn từ việc tăng số xe ô tô ở Hà Nội lên 7 lần, mà mỗi xe ô tô lại chiếm diện tích bằng 7 xe máy.
TS Minh cho rằng, có lẽ sẽ dễ dàng hơn nhiều để giảm tỷ lệ tăng sở hữu ô tô so với việc giảm sở hữu xe máy. Các vấn đề này cho thấy chính sách của chính phủ nên tập trung vào việc quản lý sử dụng hơn là quản lý sở hữu xe máy, đồng thời cần quản lý cả sở hữu và sử dụng ôtô.
Cũng tại tọa đàm, ông Vũ Văn Viện-Giám đốc Sở GTVT Hà Nội (ông Viện chủ động đề nghị Báo Giao thông tổ chức buổi tọa đàm) cho hay, việc khảo sát, đặt mục tiêu cấm xe máy vào năm 2030 nhằm đưa ra kế hoạch, quyết tâm để để thực hiện.
"Từ nay đến đó, chúng ta phải thực hiện nhiều việc. Hội đồng nhân dân thành phố thời điểm năm 2030 sẽ xem xét quyết định cấm hay không cấm xe máy căn cứ trên tình hình thực tế".