Hà Nội: Không thu xe cũ nhưng sẽ đổi giờ học, giờ làm

Ông Nguyễn Nguyên Quân
Ông Nguyễn Nguyên Quân
TPO - Theo ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội, việc điều chỉnh giờ học, giờ làm là cần thiết để đồng bộ cùng các biện pháp khác nhằm quản lý phương tiện giao thông, giảm thiểu ùn tắc trên địa bàn thành phố.  

Tại cuộc họp báo trước kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội sáng 30/6, trao đổi với báo chí xung quanh dự thảo nghị quyết về đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 – 2020 tầm nhìn 2030, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội cho biết, đề án này được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cùng Viện Chiến lược Bộ GTVT nghiên cứu và triển khai.

“Trong quá trình thực hiện, cơ quan soạn thảo cũng tổ chức hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học, lấy ý kiến công khai của nhân dân, các hội, các bộ ngành T.Ư và UBND thành phố có những điều chỉnh phù hợp trình HĐND thành phố thông qua kỳ này”, ông Quân nói.

Ông Quân cho biết, đề án có các nội dung liên quan đến thu hồi phương tiện cũ và điều chỉnh giờ học, giờ làm.

“Với nội dung thu hồi phương tiện cũ, sau khi các bộ ngành cho ý kiến cũng như có phản biện của Mặt trận Tổ quốc và tiếp thu ý kiến của nhân dân, cơ quan soạn thảo thấy rằng nội dung này cần phải được xem xét, tính toán kỹ hơn. Thế nên nội dung nghị quyết trình chính thức sẽ không có việc thu hồi phương tiện”, ông Quân khẳng định.

Về việc tạm dừng hoạt động của xe máy năm 2030, theo ông Quân, nói theo đúng tinh thần Nghị quyết là đến 2030, Hà Nội sẽ phân vùng hoạt động phương tiện phù hợp với hạ tầng cơ sở và tiến tới năm 2030 dừng hoạt động của xe máy trên các quận.

“Hà Nội phải phân vùng phương tiện để phù hợp với hạ tầng phương tiện ở từng lộ trình. Hạ tầng xã hội đáp ứng đến đâu thì phân vùng đến đó và đến 2030 khi hạ tầng xã hội triển khai đồng bộ, vận tải hành khách công cộng phát triển đảm bảo được từ 50 – 55% thì chúng ta sẽ tổ chức dừng hoạt động xe máy. Điều kiện tiên quyết là để dừng được xe máy thì phải có các biện pháp thay thế và ở đây là dựa vào hệ thống phương tiện vận tải công cộng. TP Hà Nội cũng đã có quy hoạch và kế hoạch phát triển nội dung này”, ông Quân phân tích.

Về nội dung điều chỉnh giờ học, giờ làm ông Quân khẳng định, trước đây Hà Nội đã làm và đã tạm dừng vì hiệu quả không cao. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nếu phối hợp đồng bộ với các giải pháp khác thì sẽ có hiệu quả.

“Cơ quan soạn thảo thấy, cùng với việc quản lý phương tiện giao thông thì đề xuất áp dụng biện pháp điều chỉnh giờ học, giờ làm hết sức cần thiết và sẽ tạo động lực cùng với các biện pháp khác để tổ chức thực hiện đề án này. Cho nên sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ để điều chỉnh giờ học giờ làm”, ông Quân nói.

Tuy nhiên, theo ông Quân, việc này cần phải xin ý kiến các bộ, ngành T.Ư và sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. “Nếu các bộ ngành, các cơ quan T.Ư đồng thuận thì sẽ triển khai trên địa bàn thành phố”, ông Quân nói thêm.

Trả lời các câu hỏi của báo chí về thông tin 90% người dân đồng tình với việc cấm xe máy, ông Quân cho biết, thực tế chỉ có 90% của 15.000 người được khảo sát đồng thuận. Bên cạnh đó, 85% ý kiến quan tâm trên cổng thông tin điện tử cũng thấy cần thiết phải ban hành nghị quyết này.

Về thắc mắc tại sao lại giao cho công an thành phố tổ chức khảo sát, ông Quân giải thích, trong quá trình xây dựng đề án thì UBND thành phố đã phân công trách nhiệm cho các cơ quan. “Thành phố đã phân công cho lực lượng công an tiến hành phát phiếu khảo sát vì đối tượng khảo sát là các chủ phương tiện và người dân có phương tiện. Cơ quan công an khảo sát thì cũng đã phát phiếu, đã thu về kiểm đếm. Cái này tôi cho là vẫn đảm bảo tính khách quan và cũng không có gì trái với quy định”, ông Quân khẳng định.

MỚI - NÓNG