Hiện dư luận đang quan tâm về thông tin đại gia Trịnh Sướng tài trợ cho lãnh đạo ở Sóc Trăng đi nước ngoài. Ông thấy sao về sự việc này?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Vụ việc ông Trịnh Sướng tài trợ cho lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đi nước ngoài cần phải được nhìn nhận khách quan, từ phía báo chí phản ánh và thông tin chính thức từ phía lãnh đạo địa phương. Vấn đề này rất tế nhị, nhạy cảm, nên phải xem xét cho thận trọng, khách quan.
Việc doanh nghiệp (DN) tài trợ lãnh đạo địa phương đi nước ngoài có thể xét ở hai khía cạnh. Trước tiên là việc tài trợ để họ đi quan hệ công tác nói chung thì không vấn đề gì cả. Việc này không phải chỉ có ở Sóc Trăng, mà một số tỉnh thành khác cũng sử dụng nguồn tiền từ DN để đi nước ngoài, chứ không phải không có.
Tuy nhiên, điều quan trọng là có hay không chuyện DN tài trợ cho lãnh đạo tỉnh đi nước ngoài nhằm mục đích lợi dụng, để bao che, chống lưng cho họ làm ăn phi pháp hay không? Đó mới là điều quan trọng.
Việc người ta mà tài trợ với tinh thần hỗ trợ trong sáng, cho anh em cán bộ lãnh đạo địa phương đi nước ngoài công tác, mà mang lại lợi ích cho quốc gia, cho tỉnh đó, hoặc mang lại lợi ích cho DN thì tốt quá. Nhưng điều cấm kỵ là nhận tài trợ của người ta đi nước ngoài, để họ lợi dụng nhằm bao che cho họ làm ăn phi pháp, chống lưng, bảo kê là không được.
Những ngày qua, tôi theo dõi rất kỹ vụ việc ở Sóc Trăng, liên quan đến việc làm giả xăng của ông Trịnh Sướng, đặc biệt trong câu chuyện tài trợ lãnh đạo đi nước ngoài.
Về sự việc này, theo tôi trước tiên địa phương cần có thông tin chính thống rõ ràng, xem thực tế DN của ông Trịnh Sướng tài trợ nhằm mục đích gì, để rạch ròi vấn đề đó, còn nếu cứ mập mờ sẽ ảnh hưởng không tốt cho tỉnh Sóc Trăng, và có thể còn liên quan đến các tỉnh khác nữa.
Vậy theo ông Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có nên vào cuộc, làm rõ?
Chuyện đó để những cơ quan chức năng xem xét giải quyết cho cụ thể. Nhưng theo tôi, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã có những quy định rất cụ thể, những trường hợp nào tham gia, trường hợp nào không tham gia, trường hợp nào chỉ đạo cho cấp dưới thực hiện.
Tôi nghĩ, tất cả những gì xảy ra ở địa phương, trước tiên Uỷ ban Kiểm tra các cấp sẽ đủ thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ đó. Về mặt nhà nước là cơ quan thanh tra, còn về mặt Đảng là Uỷ an Kiểm tra. Nếu có sự việc đó, thì địa phương có đủ thẩm quyền để xử lý những vấn đề phát sinh.
Ông đánh giá thế nào về tình trạng DN tại trợ cho lãnh đạo các địa phương đi nước ngoài vì lý do này, lý do kia?
Có thể sự việc diễn ra ở địa phương này, địa phương kia nhưng chưa được phát hiện. Lúc đó người ta cứ nghĩ đó là chuyện hết sức bình thường, còn khi có chuyện gì xảy ra mới thành chuyện. Theo tôi, vụ việc này phát hiện đến đâu phải xử lý đến đó và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Cần làm rõ sự việc để minh oan cho đồng chí mình nếu thực sự bị oan; đồng thời phải xử lý nghiêm đồng chí mình nếu có việc bị lợi dụng mà không ai biết. Trong trường hợp ấy, nếu không xử lý cũng phải kiểm điểm trách nhiệm để làm gương cho cán bộ noi theo.
Hiện Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có quy định về trách nhiệm nêu gương, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến cán bộ lãnh đạo chức vụ càng cao càng phải nêu gương. Chính vì thế, các đồng chí lãnh đạo cần “soi” vào đó để điều chỉnh hành vi, hoạt động của mình, để trở thành một cán bộ lãnh đạo gương mẫu, mang lại lòng tin trong cán bộ đảng viên và trong nhân dân.
Cảm ơn ông !