Cam kết hành động vì môi trường thủ đô

Từ năm 2016, bảo vệ môi trường là tiêu chí bắt buộc khi công nhận làng nghề ở Hà Nội.
Từ năm 2016, bảo vệ môi trường là tiêu chí bắt buộc khi công nhận làng nghề ở Hà Nội.
TP - Tốc độ đô thị hóa cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội khiến Thủ đô Hà Nội đang phải đứng trước nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường. Nhận thức rõ tầm quan trọng trong bảo vệ môi trường, thành phố đã xây dựng chương trình hành động, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, đảm bảo cam kết giữ gìn môi trường sống một cách bền vững.

Xử lý các điểm “nóng” ô nhiễm đạt nhiều kết quả

Nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống, trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hành động bảo vệ môi trường, nổi bật là công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tự nguyện vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu dân cư… Các chương trình “5 không, 3 sạch”, “điểm về xử lý, thu gom rác thải” được ra đời, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng.

Bên cạnh công tác truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội còn triển khai nhiều chương trình, dự án cải thiện ô nhiễm môi trường. Ðơn cử như mở rộng 4 khu xử lý chất thải rắn tập trung bố trí hợp lý để bảo đảm cự ly vận chuyển phù hợp. Tại các địa phương, công tác triển khai đầu tư các khu xử lý chất thải rắn quy mô cấp huyện hoặc liên huyện xử lý theo quy hoạch cũng được thực hiện tích cực. Hiện thành phố đã có 4 nhà máy đốt rác thải sinh hoạt với tổng công suất 1.200 tấn/ngày đêm, đang thi công 1 nhà máy, 10 dự án khác đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, đảm bảo đến năm 2020 thành phố chỉ còn 50% phải chôn lấp hợp vệ sinh.

Cùng với đó, việc xử lý các điểm “nóng” ô nhiễm và cải thiện chất lượng nước hồ chứa cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Thành phố đã hoàn thành việc thử nghiệm xử lý ô nhiễm 12 hồ trong nội thành, 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và nâng cao chất lượng môi trường từng bước được quan tâm. Môi trường tại các khu công nghiệp được tập trung chỉ đạo, đến nay đã có 8/8 khu công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề đã và đang từng bước được triển khai nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại đô thị.

Tổng kinh phí dành cho công tác bảo vệ môi trường được bố trí tăng qua các năm, đến nay đã đạt trên 3,8% tổng chi ngân sách thành phố. Tuy nhiên, tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh, Hà Nội đứng trước áp lực lớn về tình trạng suy thoái về môi trường. Ðể giải quyết tốt vấn đề môi trường, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hà Nội tiếp tục tăng cường các chương trình truyền thông về môi trường. Ðồng thời công bố công khai tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và hình thức xử lý...

Bảo vệ môi trường là tiêu chí bắt buộc

Thủ đô Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề, tuy nhiên, kết quả quan trắc, phân tích chất lượng môi trường tại 22 làng nghề cho thấy, hầu hết các làng nghề mới tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom và xử lý chất thải rắn. Trong khi đó, mục tiêu thành phố đặt ra đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại 50 làng nghề.

Ðể thực hiện mục tiêu này, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án xử lý nước thải làng nghề; xây dựng các chính sách, giải pháp hỗ trợ để từng bước cải thiện chất lượng môi trường. Ðồng thời, thành phố sẽ quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư; xây dựng kế hoạch triển khai chính sách khuyến khích phát triển làng nghề Hà Nội giai đoạn 2016-2020… Trước mắt, từ năm 2016, thành phố sẽ xem xét đưa các điều kiện về bảo vệ môi trường đã được quy định là tiêu chí bắt buộc trong việc công nhận các làng nghề và coi công tác bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí để đánh giá việc phát triển của làng nghề.

Trên cơ sở đó, các đơn vị chức năng của thành phố sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề, hoặc cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu vực dân cư nông thôn. Ðồng thời công khai và cập nhật thường xuyên thông tin về mức độ ô nhiễm môi trường làng nghề, nhất là những nơi vi phạm nghiêm trọng.

Sở TN&MT Hà Nội và thành phố luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho việc thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường, xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường tại các làng nghề…Cùng với đó, việc tăng cường giáo dục, tuyên truyền cũng là một giải pháp quan trọng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.

MỚI - NÓNG