Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng:

Cấm doanh nghiệp quân đội buôn bán lòng vòng kiếm lời

Cấm doanh nghiệp quân đội buôn bán lòng vòng kiếm lời
Quân đội có nên làm kinh tế? Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra, nhất là trong xu thế phần lớn các nước trên thế giới đã tách việc làm kinh tế ra khỏi lực lượng vũ trang.

Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Rinh xung quanh chủ đề này. Ông nói:

Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước, quân đội có hai việc: Tham gia xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Cả hai việc này không thể tách rời nhau được. Còn với QĐND Việt Nam, từ khi ra đời đến nay thì vẫn thực hiện 2 nhiệm vụ đó. Khi thành lập, Bác Hồ cũng xác định quân đội có 3 chức năng: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất. Tôi nghĩ cả ba nhiệm vụ đó vẫn rất quan trọng trong tình hình hiện nay.

Nhưng đó là thời chiến, còn trong thời bình có nhất thiết quân đội phải làm kinh tế nữa không, thưa Thượng tướng?

Mấy năm gần đây, Chính phủ quyết định quân đội phải tham gia xây dựng các khu kinh tế quốc phòng ở những vùng chiến lược ở biên giới, hải đảo. Đến nay, quân đội đã xây dựng được 17  - 18 khu kinh tế quốc phòng, với lực lượng hàng vạn người làm kinh tế. Quân đội vừa tự tạo cơ sở vật chất đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, vừa có trách nhiệm giúp dân xoá đói giảm nghèo.

Thưa Thượng tướng, hiện quân đội có bao nhiêu doanh nghiệp làm kinh tế?

Hiện quân đội đang duy trì một lực lượng làm kinh tế rất đông. Chúng tôi có 2 loại DN: DN công ích làm nhiệm vụ quốc phòng là chính (sản xuất công nghiệp quốc phòng, xây dựng các khu kinh tế quốc phòng); DN quân đội chuyên làm kinh tế như xây dựng cơ bản (Binh đoàn 12 chuyên xây dựng cầu, đường).

Tổng số có khoảng hơn 140 DN, số DN làm ăn giỏi chiếm khoảng 20 - 30%; trung bình đạt khoảng 70 - 80%. Những DN  này làm trên những lĩnh vực rất hiệu quả như: dịch vụ bay, làm giao thông… Giải quyết việc làm cho người lao động rất tốt, mấy năm trước những DN  này là nơi để đón quân số được tinh giảm ở các đơn vị, đồng thời thu hút lực lượng lao động lớn  ở ngoài xã hội.

Hiện  những DN này có khoảng 20 - 30 vạn lao động. Những đóng góp về kinh tế của những DN này cho ngân sách Nhà nước cũng không phải là ít. Doanh thu hàng năm của khối DN quân đội lên tới vài chục ngàn tỷ đồng và đóng góp cho ngân sách Nhà nước cũng tới mấy ngàn tỷ.

Tuy nhiên, nếu những DN làm ăn không tốt thì rất dễ ảnh hưởng đến truyền thống của quân đội. Để  tránh những điều tiếng có thể xảy ra, Bộ Quốc phòng  đã có chủ trương cấm các DN trong quân đội buôn bán kiếm lời hay kinh doanh những dịch vụ khách sạn, nhà hàng, những ngành nghề nhạy cảm. Đặc biệt, các dịch vụ nhà hàng, massage thì cấm triệt để. Các DN chỉ tham gia sản xuất, hạn chế việc kinh doanh, cụ thể là không kinh doanh theo kiểu mua đi – bán lại.

Thưa Thượng tướng, bấy lâu tuy chưa phát hiện những doanh nghiệp của quân đội có tham nhũng, tiêu cực gì lớn. Nhưng hầu như lực lượng thanh, kiểm tra, cảnh sát kinh tế, thuế… rất khó vào các DN của  quân đội để giám sát việc kinh doanh theo pháp luật?

Trong quân đội đã có bộ máy giám sát riêng như: thanh tra quốc phòng, kiểm tra Đảng, thanh tra tài chính. Về cơ bản, những việc liên quan đến quốc phòng như: sản xuất vũ khí, trang bị… thì những cơ quan này do thanh tra chuyên ngành làm. Còn những DN thuần tuý sản xuất kinh doanh thì không phải thanh tra Chính phủ không vào đâu, mà họ vẫn vào, rồi hàng năm kiểm toán cũng vào làm…

Họ vào cũng bình thường chứ hoàn toàn không có gì khó khăn cả. Còn cơ quan thuế thì muốn kiểm tra lúc nào cũng được. Các DN của quân đội thì hàng năm vẫn nộp thuế cho Nhà nước rất nghiêm chỉnh. Tất nhiên, có DN cũng đóng thuế không kịp thời, nhưng không phải các DN của quân đội là bất khả xâm phạm.

Thưa Thượng tướng, vừa qua ở một số Bộ, ngành đã xảy ra những vụ án tham nhũng lớn. Để tránh ảnh hưởng đến hình tượng “anh bộ đội cụ Hồ” có ý kiến cho rằng Bộ Quốc phòng nên sớm tách khỏi cơ chế Bộ chủ quản DN?

Tất cả các DN quân đội hoạt động đều phải tuân theo Luật DNNN, không thể thoát ly ra khỏi pháp chế của Nhà nước. Lãnh đạo các DN  phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và lãnh đạo Bộ về hoạt động của DN. Hiện lực lượng DN quân đội có một đội ngũ lãnh đạo khá chặt chẽ về Đảng, chính quyền. Nên nếu có phát sinh tiêu cực là bị phát hiện ngay, phát hiện rất sớm. Còn về nguyên tắc, ai làm sai thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Xin cảm ơn Thượng tướng!

MỚI - NÓNG