Đà Nẵng

Cầm cố sân vận động Chi Lăng: Dân không để yên!

Tập đoàn Thiên Thanh - chủ đầu tư dự án Sân vận động Chi Lăng.
Tập đoàn Thiên Thanh - chủ đầu tư dự án Sân vận động Chi Lăng.
TP - Câu chuyện lùm xùm thu hồi dự án Khu phức hợp thương mại SVĐ Chi Lăng làm nóng phiên chất vấn kỳ họp HĐND thành phố lần 15 khóa VIII hôm qua. UBND thành phố đặt quyết tâm thu hồi, nhưng mảnh đất 5 hécta đã được xẻ ra 10 lô cầm cố ngân hàng, lại đang là tang vật của một vụ án, nên việc thu hồi không dễ.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, đối với dự án SVĐ Chi Lăng (Khu phức hợp thương mại SVĐ Chi Lăng) do Công ty Tập đoàn Thiên Thanh làm chủ đầu tư, hiện thành phố đang nghiên cứu ra quyết định thu hồi sớm nhất có thể. Tuy nhiên, vì đây là tang vật của một vụ án lớn, do Bộ Công an đang thụ lý điều tra nên rất phức tạp, còn phải chờ.

“Tôi với anh Thơ (Chủ tịch thành phố) đã làm việc với ngân hàng. Họ  nói tài sản 10 lô đất sân Chi Lăng đã cầm cố, ngân hàng cầm sổ đỏ thì họ có quyền phát mãi. Chúng tôi nói các anh làm không sai, nhưng nên nhớ cho là dân Đà Nẵng sẽ không chịu đâu.

Ông Trần Thọ, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng

Lãnh đạo thành phố cho biết, đã giao Sở TN&MT tiếp tục làm việc với chủ đầu tư, xem xét hướng đầu tư. Với 10 lô đất được xẻ ra từ khu đất 5 hécta của SVĐ Chi Lăng, UBND thành phố cũng đã có công văn gửi Bộ Công an, đề nghị không phát mãi tài sản đối với 10 lô đất trên. Hiện tài sản này, là tang vật của vụ án liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh nên vẫn đang bị phong tỏa. “Đà Nẵng sẽ chờ kết luận của cơ quan điều tra, sau đó mới tính tiếp” – ông Tuấn nói.

Không đồng tình với cách trả lời của ông Tuấn, ĐB Trần Văn Lĩnh cho rằng, nói thu hồi cho mạnh miệng thế, nhưng thực chất, Đà Nẵng có thể chỉ thu hồi được cái tên dự án. “Tôi tin là thế, hiện nếu thu hồi thì chỉ được chừng đó thôi. Còn tài sản cụ thể là 10 lô đất hiện ngân hàng họ cầm sổ đỏ rồi, đó là tài sản của họ rồi. Không bao giờ lấy lại được”, ĐB Lĩnh nói. 

Đề nghị khởi tố hình sự vụ trả lại 37 tỷ từ thiện

Cho đến thời điểm này, các tổ chức và cá nhân liên quan đến việc tự ý trả lại 37 tỷ đồng tiền từ thiện của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tài trợ cho BV Ung thư Đà Nẵng vẫn chưa nhận bất kỳ hình thức kiểm điểm nào. Nhiều ĐB bức xúc cho rằng, cần phải có biện pháp mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng,  thành phố đã yêu cầu làm kiểm điểm lần 3, nếu không có chuyển biến sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan Thanh tra. Bên thanh tra sẽ làm rõ sai phạm mức độ như thế nào. Hiện nay Ngân hàng Bưu điện Liên Việt vẫn đang giữ. Họ nói sẽ đầu tư cho giáo dục, cụ thể là xây trường ở quê hương cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh.

Không đồng ý với trả lời của ông Dũng, ĐB Trần Văn Lĩnh cho rằng, cần phải khởi tố vụ án hình sự chứ không thể chỉ kiểm điểm khơi khơi vì lãnh đạo BV Ung thư (cũ) đã nghỉ hưu, kiểm điểm cũng bằng thừa.

“Nghị quyết HĐND đã ghi rõ là phải bàn giao nguyên trạng BV Ung bướu Đà Nẵng sang BV công, do Sở Y tế quản lý. Nguyên trạng có nghĩa là cả tài sản và con người, bất kỳ là tiền hỗ trợ hay tiền của BV. Điều này có nghĩa người tự chuyển trả tiền cho nhà tài trợ đã làm thất thoát ngân sách, có dấu hiệu vi phạm. Phải khởi tố để cơ quan điều tra” - ông Lĩnh kiến nghị.

Ông Trần Thọ đề nghị lãnh đạo UBND thành phố tiếp tục ra làm việc với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, thương lượng đề nghị chuyển lại tiền đúng 37,2 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư cho BV Ung bướu.

MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.