Cải cách BHXH ứng phó với già hoá dân số

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu.
TP - Ngày 13/7, tại giao lưu trực tuyến Cải cách bảo hiểm xã hội (BHXH) hướng tới an sinh bền vững, nhiều nội dung về cải cách BHXH thời gian tới đã được đặt ra, với mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới an sinh bền vững.

Dân số đang già hóa nhanh

Ðại biểu Bùi Sỹ Lợi Phó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chỉ ra những thách thức với BHXH trong bối cảnh dân số Việt Nam già hóa nhanh. Theo đó, nước ta có nguy cơ giảm số người đóng BHXH vì những năm gần đây người lao động có xu hướng hưởng chế độ BHXH một lần. Năm 2017, có hơn 1 triệu người mới tham gia hệ thống nhưng có tới 660 ngàn người ra khỏi BHXH để hưởng chế độ một lần. Ðặc biệt, Việt Nam bắt đầu kết thúc thời kỳ dân số vàng chuyển sang thời kỳ dân số già hóa. Trong tương lai, cung lao động sẽ ít hơn cầu sử dụng.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng LÐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, năm 2015, Việt Nam có 6 người trong độ tuổi lao động sẽ có 1 người cao tuổi; nhưng đến năm 2055, cứ 2 người trong độ tuổi lao động có 1 người cao tuổi. Vì vậy, nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai không xa.

Trong bối cảnh già hóa dân số, hầu hết các nước trên thế giới và các châu lục (trừ Châu Phi) đều đã có kế hoạch điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo chính sách BHXH bền vững. Rất nhiều nước có kỳ vọng sống sau tuổi 60 thấp hơn Việt Nam đều đã có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu.

“Câu chuyện về tuổi nghỉ hưu, Bộ LÐ-TB&XH cần báo cáo Chính phủ, cách thức thực hiện, nhóm tuổi cần tính toán kỹ. Cơ quan chức năng nên lấy ý kiến đồng đều các nhóm lao động để điều chỉnh cho hợp lý”, ông Lợi nói.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu, thời gian qua, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHXH vẫn còn nhiều hạn chế. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hoá dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới; quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn…

Giảm điều kiện hưởng lương hưu

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, chính sách BHXH đều được coi là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Theo quy định của Luật BHXH, để được hưởng lương hưu hàng tháng, người lao động cần đáp ứng điều kiện tuổi đời và thời gian tối thiểu tham gia BHXH. Hiện nay, quy định có thời gian tham gia BHXH tối thiểu 20 năm để hưởng chế độ hưu trí cũng gây trở ngại nhất định cho việc mở rộng bao phủ BHXH. “Có những lao động tham gia BHXH tới 18-19 năm, khá dài so với các nước, nhưng họ phải chịu thiệt thòi vì chưa đủ điều kiện hưởng hưu trí. Ðiều này cũng ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội, bởi đến tuổi nghỉ hưu, họ có thể phải phụ thuộc vào trợ cấp của nhà nước”, ông Diệp nói.

Ông Diệp dẫn chứng, nhiều người lao động ở độ tuổi 40-45 mới tham gia BHXH, nhưng nhìn trước được sẽ không đủ thời gian tham gia để hưởng chế độ hưu trí. Vì vậy, mong muốn được tự đảm bảo an sinh của người lao động thông qua chế độ hưu trí không đạt được, ảnh hưởng đến quyền tiếp cận an sinh xã hội của người lao động.

Cải cách BHXH ứng phó với già hoá dân số ảnh 1

Việt Nam phải thực hiện ngay các giải pháp để ứng phó với già hoá dân số.

Theo vị lãnh đạo Bộ LÐ-TB&XH, quy định thời gian tham gia tối thiểu dài tới 20 năm mới được hưởng lương hưu cũng làm cho người lao động không muốn bảo lưu thời gian tham gia BHXH, mà nhận BHXH một lần. “Quy định 10 năm hay 15 năm không hề ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH như nhiều người lo ngại. Nguyên tắc BHXH là mức hưởng được tính toán phù hợp với mức đóng và thời gian đóng”, ông Diệp nói. Ông phân tích: Việc điều chỉnh giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm và 10 năm sẽ góp phần vào việc thực hiện mục tiêu về mở rộng diện bao phủ BHXH. Từ đó đảm bảo cho nhiều người lao động có cơ hội và điều kiện tiếp tục tham gia BHXH để hưởng lương hưu hàng tháng. Nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu là 10 năm, như Nhật Bản, Hàn Quốc… dù trước đây họ cũng quy định điều kiện 20 năm đóng BHXH như Việt Nam.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu, việc sửa đổi, hoàn thiện cách tính lương hưu, kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng cần có lộ trình phù hợp. “Là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, BHXH Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc đánh giá các tham số, tính toán chế độ BHXH sao cho phù hợp và khả thi nhất”, ông Liệu nói.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Ðình Liệu cho biết, đến hết năm 2017, số người tham gia BHXH trên 13,82 triệu người, chiếm 25,8% lực lượng lao động. Bình quân hàng năm, BHXH Việt Nam giải quyết cho trên 150 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng.

MỚI - NÓNG