Bảng thông báo có nội dung: "Hà Nội đất chật người đông, nếu em đỗ xe khiếm nhã mong gia đình thông cảm. Gọi 091.222.xxxx để em di chuyển kịp thời. Xin cảm ơn".
Chia sẻ lên diễn đàn Otofun, anh M. cho hay, anh phải làm bảng thông báo này vì vừa tuần trước, xe của anh bị xước vạch dài suốt 2 cánh bên lái, tuần này thì bị vạch ngang nắp capo. Mặc dù có mua bảo hiểm, nhưng "của đau con xót", anh vẫn rất bực mình. Hơn nữa, nhiều lần anh đã bị chủ nhà hoặc cửa hàng đuổi, không cho đỗ mặc dù đóng cửa.
Trên thực tế, anh cũng rất để ý khi đỗ xe. "Nếu nhà nào trước cửa không có cầu xe ô tô ra vào thì mới đỗ, nhưng vẫn cứ không yêu thương. Thế mới lạ. đương nhiên là không có biển cấm thì mới chơi rồi, chứ có biển cấm thì em cũng không dám", anh M. cho hay.
Bảng thông báo này của anh được nhiều thành viên ủng hộ và xin học theo. Nhiều người cho rằng cách làm này của anh M. "rất chất", lịch sự, văn minh và cũng thể hiện văn hóa khi đỗ xe.
Tại Hà Nội, thực tế có trường hợp lái xe đỗ xe thiếu ý thức, bịt lối ra vào của nhiều nhà dân hoặc đỗ trước cửa hàng, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp,... gây bức xúc. Cách phản ứng thường thấy của người dân nhẹ thì viết phấn, để giấy lên xe cảnh báo, mạnh tay hơn thì cào xước xe, đặt gạch lên cần lái, nắp capo hay xịt lốp,...
Tuy nhiên, do Hà Nội đất chật người đông, lại thiếu bãi đỗ xe trầm trọng nên tình trạng đỗ sai quy định hoặc tá túc dưới lòng đường, trước cửa nhà dân vẫn xảy ra. Việc để tờ giấy thông báo như vậy cũng là cách làm có văn hóa khi phải đỗ xe trong những tình huống bất đắc dĩ.
Dưới đây là một số cách người dân phản ứng với lái xe đỗ sai quy định (ảnh sưu tầm Internet):