Vậy tính toán những khoản thiệt hại này như thế nào cho đúng và hợp lý là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm. Những phân tích, chia sẻ của Tiến sĩ Kiều Thị Thùy Linh, Phó Trưởng khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.
Trước tiên xin cảm ơn Tiến sĩ Kiều Thị Thùy Linh đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Thưa bà, trong các hợp đồng thương mại việc vi phạm điều khoản hợp đồng dẫn tới thiệt hại cho các bên có hay xảy ra hay không? Và những loại vi phạm như thế nào thế sẽ dẫn tới những thiệt hại cần phải bồi thường? Bà có thể làm rõ nội dung này?
Thực hiện các hợp đồng nói chung, bao gồm cả hợp đồng thương mại thì việc vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng không phải là việc “hiếm”. Có trường hợp chủ thể trong hợp đồng vô tình vi phạm nghĩa vụ hoặc cũng có thể là cố tình vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng. Trường hợp vô tình vi phạm hợp đồng thì thường xuất phát từ việc nhận thức pháp luật kém, ý thức thực hiện cam kết không cao. Còn trường hợp cố tình vi phạm thì thường xuất phát từ việc nội dung hợp đồng, đặc biệt các nội dung liên quan đến cơ chế bảo đảm thực hiện nghĩa vụ còn “lỏng lẻo”, còn chưa kín kẽ. Tất nhiên, có một số trường hợp chủ thể sẽ cân nhắc giữa sự thiệt, hơn nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng hay vi phạm hợp đồng khi xảy ra các sự kiện mà việc tiếp tục thực hiện hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn việc vi phạm nghĩa vụ, chấm dứt hợp đồng.
Các thiệt hại mà do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thương mại thường bao gồm các nhóm cụ thể sau: Các thiệt hại trực tiếp do chính hành vi vi phạm nghĩa vụ ví dụ như giá trị hàng hoá bị hư hỏng, tiền phí gửi giữ hàng hoá do chậm nhận, số tiền chậm thanh toán, tiền lãi do chậm thanh toán, tiền phạt vi phạm hợp đồng của bên có quyền trong trường hợp bên này bị vi phạm do hành vi vi phạm từ bên có nghĩa vụ đối với đối tác thứ ba… Tuỳ vào từng hợp đồng thương mại, hành vi vi phạm cụ thể thì sẽ xác định chính xác giá trị thiệt hại này. Bên cạnh đó, thiệt hại cũng có thể gồm các thiệt hại gián tiếp khác ví dụ như bên bị vi phạm do không thể thực hiện hợp đồng với bên thứ ba mà nguyên nhân là từ hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ trong hợp đồng dẫn đến uy tín bị ảnh hưởng, nhiều đối tác khi biết thông tin sẽ e ngại trong việc giao kết hợp đồng dù các bên đang đàm phán và hoàn toàn có khả năng ký kết hợp đồng. Tất nhiên, đây là thiệt hại rất khó chứng minh nhưng nếu chứng minh được thì cũng hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại khi đáp ứng các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Thực tế cho thấy, không phải cứ có vi phạm là có thể yêu cầu bồi thường. Vậy căn cứ xác định thiệt hại để các doanh nghiệp có thể yêu cầu đối tác bồi thường thiệt hại cho mình bao gồm những yếu tố nào thưa TS. Kiều Thị Thùy Linh?
Chính xác là không phải cứ có vi phạm là yêu cầu bồi thường. Chính vì thế pháp luật mới có quy định về điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đối với vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng cũng phải tuân theo các điều kiện này, tất nhiên trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác thì sẽ tôn trọng sự thoả thuận của các bên. Vậy, điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng gồm có: Thứ nhất, có hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng; Thứ hai, có thiệt hại thực tế xảy ra; và thứ ba là có mối quan hệ giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ với thiệt hại thực tế xảy ra này. Chỉ khi có đầy đủ các điều kiện này thì bên bị thiệt hại mới có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với bên gây thiệt hại.
Rất nhiều doanh nghiệp bị đối tác vi phạm hợp đồng dẫn tới những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, uy tín... tuy nhiên lại không thể yêu cầu bồi thường thành công. Vậy muốn yêu cầu đối tác bồi thường thiệt hại cho mình, thì các doanh nghiệp cần phải lưu ý những vấn đề gì thưa bà?
Tôi vẫn luôn cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của mình, không chỉ trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại mà trong rất nhiều góc độ khác, các doanh nghiệp đều phải trọng tâm vào những khía cạnh sau:
Thứ nhất, ngay khi đàm phán, ký kết hợp đồng, các doanh nghiệp cần phải soạn thảo và ghi nhận vào trong hợp đồng chi tiết, chặt chẽ. Chính sự thoả thuận chi tiết, chặt chẽ này sẽ tác động đến việc nâng cao ý thức thực hiện hợp đồng của các bên. Còn khi các bên có sự vi phạm nghĩa vụ thì đương nhiên sẽ xử lý theo thoả thuận được ghi nhận trong nội dung hợp đồng chặt chẽ được soạn. Đây là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất.
Thứ hai, trong quá trình thực hiện hợp đồng luôn phải có sự lưu giữ, bảo quản các bằng chứng. Khi muốn yêu cầu bồi thường thì phải chứng minh được mình bị thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên vi phạm với thiệt hại mình phải gánh chịu. Nếu thiếu vắng các chứng cứ này thì sẽ rất khó trong việc đưa ra yêu cầu.
Thứ ba, nên có sự tham vấn tới những người có chuyên môn về luật để được tư vấn đúng và chuẩn với thực tế, phù hợp với quy định pháp luật. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp coi nhẹ việc tư vấn của người có chuyên môn nên việc áp dụng quy định pháp luật còn chưa chuẩn xác, việc chuẩn bị hồ sơ, bằng chứng yêu cầu bồi thường thiệt hại còn thiếu, không đầy đủ và không chặt chẽ.
Vi phạm hợp đồng dẫn tới thiệt hại là điều không một các doanh nghiệp nào mong muốn. Vậy bà có thể đưa ra những lời khuyên giúp các doanh nghiệp có thể giảm thiểu tối đa những thiệt hại khi có vi phạm xảy ra?
Như đã trả lời ở trên, tôi vẫn cho rằng, ba yếu tố trên là các yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý trong việc tránh và giảm thiểu rủi ro khi giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, tôi cũng muốn các doanh nghiệp lưu ý đến một yếu tố nữa, đó chính là sự thiện chí và thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Sự thiện chí, thực hiện đúng nghĩa vụ của mình không chỉ thể hiện uy tín của doanh nghiệp mà còn tác động đến ý thức thực hiện của đối tác. Tiếp đến nữa, mình thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ thì cũng loại bỏ được việc “vin cớ” của đối tác cho rằng mình không thực hiện nghiêm túc nên họ mới có quyền trong việc chậm thực hiện nghĩa vụ. Đây cũng là điểm cần lưu ý để các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro cho mình.
Xin cảm ơn Bà!
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/
Kính mời bạn đọc theo dõi!