Cách phòng đau mỏi gáy hiệu quả

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Nhiều người sau một đêm ngủ dậy bỗng thấy thấy đau nhức khắp mình, đặc biệt là đau tê dại vùng vai, gáy, nhiều khi đau lan xuống bả vai, làm tê mỏi các cánh tay, cẳng tay và ngón tay…

Hội chứng đau mỏi vai gáy thông thường không nguy hiểm, song có thể gây ra nhiều lo lắng, khó chịu, mệt mỏi cho người bệnh, làm giảm sút sức lao động và chất lượng cuộc sống. Làm gì để phòng ngừa đau mỏi vai gáy?

Chú ý các tư thế của cơ thể khi hoạt động

Mọi người nên chú ý đề phòng đau cổ, vai, gáy từ khi chưa có biểu hiện thương tổn bằng cách chỉnh sửa tư thế cơ thể khi hoạt động cho đúng sau:

- Khi làm việc lâu tại bàn, đặc biệt với máy vi tính, cứ mỗi 30 phút nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay, luôn giữ cổ thẳng, không cúi gập cổ quá lâu.

- Khi ngồi, tránh tư thế cong lưng, cần giữ lưng thẳng, cổ thẳng trục với chân, nên kê một gối mỏng ở đoạn thắt lưng. Nếu phải ngồi trong thời gian dài, cứ 45-60 phút nghỉ giải lao một lần.

- Khi nằm, không gối đầu cao để đọc sách hay xem tivi vì sẽ làm sai tư thế của cột sống cổ. Chỉ gối đầu cao khoảng 10cm khi ngủ, còn khi xem tivi, tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm phù hợp với độ cong sinh lý của cổ.

- Khi lái xe, giữ thẳng lưng, kê gối ở đoạn thắt lưng, đầu và cổ giữ thẳng trục với thân, di chuyển ghế ngồi gần volant sao cho vai cánh tay không bị căng.

- Khi làm việc nhà, tránh các động tác ngửa cổ trong sinh hoạt hằng ngày như lau cửa, mắc quạt trần, lau đèn, lấy đồ trên cao, để giảm căng thẳng cho cổ vai hãy sử dụng ghế, thang khi làm những công việc này.

Không bẻ cổ, bẻ khớp

Nhiều người có thói quen khi mỏi cổ thường bẻ cổ, lắc cổ kêu răng rắc để có cảm giác dễ chịu hơn, nhưng thực tế hành động này gây hại tới bề mặt sụn hoặc đĩa đệm, phá hủy khớp. Hơn nữa, nếu đĩa đệm đã bị thoái hóa gây mỏi cổ, thì khi bẻ hoặc vặn sẽ tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài và làm bệnh thêm trầm trọng.

Về lâu dài, nếu cứ duy trì việc lắc bẻ khớp cổ sẽ dẫn đến thoái hóa dây chằng cổ, vôi hóa đốt sống cổ. Người phương Tây thường không có thói quen này vì nó có hại nhiều hơn có lợi rất nhiều.

Mỗi khi mỏi bạn chỉ cần cử động khớp qua lại nhẹ nhàng đến góc độ tối đa của khớp mà vẫn chưa gây đau, chưa tạo ra tiếng lạo xạo là được. Động tác đơn giản này sẽ góp phần tăng lưu lượng máu đến mô, tạo sự dễ chịu mà vẫn tránh được hiện tượng dính khớp, tránh được vi chấn thương.

Chăm chỉ vận động

Mọi người nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao với các bài tập phù hợp. Những người có hoạt động cúi nhiều, ảnh hưởng đến cổ vai gáy (như diễn viên xiếc, nông dân, công nhân…), nên có những bài tập thể dục dành riêng cho các bộ phận này vào buổi sáng và tối để khôi phục lại chức năng của các dây thần kinh ở đây sau một ngày lao động vất vả.

Các động tác dưỡng sinh như ưỡn cổ, cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, nghiêng đầu sang trái, sang phải, xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống... cũng giúp phòng bệnh.

Nếu bạn có dấu hiệu đau nên đi khám ở các chuyên khoa thần kinh sớm để có chỉ định điều trị phù hợp, tránh vặn kéo mạnh có thể gây tổn thương nặng thêm các dây thần kinh ở đây.

Theo SKGD
MỚI - NÓNG
Xuân Son lập kỷ lục nhờ cú đúp vào lưới tuyển Thái Lan
Xuân Son lập kỷ lục nhờ cú đúp vào lưới tuyển Thái Lan
TPO - Gặp Thái Lan, Xuân Son tiếp tục thể hiện được đẳng cấp và cái duyên ghi bàn của mình với cú đúp bàn thắng để vươn lên độc chiếm ngôi đầu danh sách Vua phá lưới ASEAN Cup 2024. Anh đã có 7 bàn và bỏ xa phần còn lại 3 pha lập công. Xuân Son trở thành tiền đạo đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam ghi được tới 7 bàn thắng ở một giải vô địch Đông Nam Á.