Ngoài yếu tố môi trường, các thói quen không tốt như đi chân trần trên sàn lạnh, sử dụng giày dép cứng hoặc không mang tất ấm cũng góp phần làm da gót chân dễ tổn thương. Chế độ ăn uống thiếu hụt các dưỡng chất quan trọng như vitamin E, omega-3 hay nước cũng khiến da thiếu sự đàn hồi, tăng nguy cơ nẻ gót chân. Đây không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn có thể dẫn đến những tác động nghiêm trọng nếu không được xử lý đúng cách.
Những tác hại của gót chân nẻ có thể bạn còn chưa biết
Nẻ gót chân thường bắt đầu với các dấu hiệu nhẹ như khô ráp, bong tróc hoặc cảm giác căng da ở vùng gót. Nếu không được chăm sóc, tình trạng này sẽ tiến triển nặng hơn với sự xuất hiện của các vết nứt nhỏ trên da. Những vết nứt này không chỉ gây đau rát khi di chuyển mà còn dễ bị nhiễm trùng nếu bụi bẩn và vi khuẩn xâm nhập.
Trong trường hợp nghiêm trọng, vết nứt có thể lan rộng và sâu hơn, gây chảy máu hoặc thậm chí tổn thương đến các mô bên dưới. Điều này làm cản trở sinh hoạt hàng ngày, khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Nẻ gót chân còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như viêm da, nấm hoặc nhiễm trùng da. Vì vậy, nhận biết và xử lý sớm là rất quan trọng để tránh những hậu quả không mong muốn.
Đối phó thế nào khi gót chân bị nẻ?
Câu hỏi này tưởng như đơn giản nhưng cũng không phải ai cũng biết câu trả lời chuẩn xác.
Trước hết, bạn cần biết làm sạch da đúng cách. Hàng ngày, không rửa chân bằng nước nóng mà chỉ dùng nước ấm để tránh làm khô da. Sử dụng xà phòng dịu nhẹ hoặc sản phẩm làm sạch chứa các thành phần dưỡng ẩm để loại bỏ bụi bẩn mà không làm tổn hại lớp dầu tự nhiên trên da.
Dưỡng ẩm thường xuyên cho gót chân là điều bạn cần ghi nhớ. |
Dưỡng ẩm thường xuyên cho gót chân là điều bạn cần ghi nhớ. Sau khi rửa sạch và lau khô chân, thoa kem dưỡng ẩm chuyên dụng cho gót chân. Các loại kem chứa urea, glycerin hoặc dầu dừa được khuyến khích vì khả năng cấp ẩm sâu và làm mềm da hiệu quả.
Tẩy tế bào chết định kỳ: Từ 1-2 lần mỗi tuần, sử dụng đá mài hoặc sản phẩm tẩy tế bào chết để loại bỏ lớp da khô, giúp các sản phẩm dưỡng ẩm thẩm thấu tốt hơn.
Sử dụng băng dán bảo vệ: Với những vết nứt sâu, hãy dùng băng dán y tế để che chắn, ngăn ngừa nhiễm trùng và giúp vùng da này phục hồi nhanh hơn.
Đeo tất giữ ẩm: Sử dụng tất cotton hoặc tất chuyên dụng dưỡng ẩm vào ban đêm để tăng cường hiệu quả chăm sóc da.
Bạn phòng ngừa nẻ gót chân trong mùa lạnh bằng cách nào?
Phòng ngừa luôn là giải pháp tốt nhất để tránh tình trạng nẻ gót chân trong mùa đông.
Duy trì thói quen dưỡng ẩm là quan trọng nhất. Hãy thoa kem dưỡng ẩm cho gót chân ít nhất 1-2 lần mỗi ngày, đặc biệt là sau khi tắm hoặc rửa chân. Ngoài ra, bạn cũng luôn nhớ mang tất ấm khi ra ngoài và tránh đi chân trần trên sàn lạnh. Chọn giày dép vừa vặn, mềm mại và thoáng khí để giảm áp lực lên gót chân. Khi rửa chân hoặc tắm, hãy dùng nước ấm thay vì nước quá nóng để tránh làm mất độ ẩm tự nhiên của da.
Nẻ gót chân không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nếu không được chăm sóc kịp thời. Với sự chăm sóc đều đặn, đôi chân của bạn sẽ luôn sẵn sàng đồng hành trong mọi hoạt động thường ngày, bất chấp mùa đông giá rét.
Chúng ta vẫn được khuyên rằng một chế độ ăn lành mạnh sẽ có tác dụng tốt với làn da của cơ thể. Điều này cũng đúng với việc chăm sóc đôi ‘gót ngọc’. Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin E, A, C và omega-3 trong khẩu phần ăn, giúp nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh. Một số thực phẩm nên bổ sung bao gồm cá hồi, quả bơ, hạt óc chó, cà rốt và cam. Ngoài ra, bạn cũng lưu ý luôn uống đủ 2- 2,5 lít nước hàng ngày, để da luôn được cấp ẩm từ bên trong.
Các liệu pháp tự nhiên hỗ trợ chăm sóc gót chân nẻ
Ngoài các sản phẩm chăm sóc da chuyên dụng, bạn có thể áp dụng các liệu pháp tự nhiên để cải thiện tình trạng gót chân nẻ.
Ngâm chân: Ngâm chân trong nước ấm pha muối hoặc vài giọt tinh dầu dừa từ 10-15 phút để làm mềm da và kháng khuẩn.
Massage với dầu tự nhiên: Sử dụng dầu dừa, dầu ô-liu hoặc mật ong để massage gót chân sau khi ngâm. Đây là những nguyên liệu có khả năng dưỡng ẩm cao, giúp phục hồi da nhanh chóng.
Mặt nạ tự nhiên: Hỗn hợp chuối chín nghiền, bơ và sữa chua là một mặt nạ tuyệt vời cho gót chân. Thoa hỗn hợp này lên vùng da bị nẻ, để trong 20 phút, sau đó rửa sạch bằng nước ấm.
Lô hội: Gel lô hội là giải pháp tự nhiên hiệu quả để làm dịu da nứt nẻ và thúc đẩy tái tạo tế bào. Thoa một lớp gel lên vùng da tổn thương trước khi đi ngủ và để qua đêm để đạt hiệu quả tốt nhất.
Gót chân nứt nẻ đôi khi phản ánh tình trạng bệnh lý, như tiểu đường, viêm da cơ địa,… Nếu tình trạng gót khô, nứt nẻ của bạn quá nghiêm trọng hoặc không cải thiện sau khi áp dụng các phương pháp trên thì bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được bác sĩ trực tiếp thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết.