Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều thay đổi. Để học sinh tự tin hơn khi bước vào kỳ thi, các giáo viên gợi ý cách ôn tập thích hợp cho từng môn thi.
Việc đổi mới cách kiểm tra đánh giá đối với môn ngữ văn của Bộ GD-ĐT nhằm mục đích hướng vào việc đánh giá - kiểm tra năng lực của học sinh, tránh lối học cũ.
Năm nay, đề thi sẽ có những thay đổi đáng kể so với đề thi các năm trước nhưng chắc chắn sẽ vừa sức với học sinh. Chẳng hạn thời gian thi rút ngắn còn 120 phút thì dung lượng kiến thức và yêu cầu sẽ phù hợp để học sinh làm được bài; ngữ liệu trong cả hai phần đọc hiểu và làm văn sẽ gần gũi và dễ hiểu… Vì vậy, các em cần yên tâm để ôn tập và làm bài thi cho tốt.
Tìm hiểu thêm các văn bản ngoài sách giáo khoa
Với phần đọc hiểu, học sinh chú ý ngữ liệu được sử dụng trong phần này có thể ngoài chương trình - sách giáo khoa (CT - SGK). Như vậy, bên cạnh việc ôn tập kiến thức cơ bản ở những bài học trong SGK, học sinh cần luyện tập đối với những đoạn văn bản, hoặc những văn bản ngắn hoàn chỉnh (có thể là văn bản văn học hoặc nhật dụng).
Ở phần này, học sinh sẽ phải trả lời một số câu hỏi xoay quanh việc đọc hiểu văn bản như xác định nội dung, thông tin chính, ý nghĩa văn bản, chi tiết, tên văn bản; ý nghĩa của từ ngữ, cú pháp; các biện pháp nghệ thuật tiêu biểu và tác dụng của chúng…
Với văn bản văn học, đặc biệt là văn bản có tính chất hư cấu, các em cần phân biệt nội dung cụ thể của văn bản với ý nghĩa toát ra từ nội dung đó. Học sinh cần tìm thêm các văn bản ngắn ngoài SGK như những câu chuyện gần gũi, có ý nghĩa nhân văn trên các trang mạng xã hội để dùng làm ngữ liệu rèn luyện việc đọc hiểu.
Một điểm mới trong yêu cầu ở phần đọc hiểu năm nay là tích hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt của học sinh.
Tuy nhiên, học sinh cần chú ý đề thi không kiểm tra kiến thức về lý thuyết mà là kiểm tra sự vận dụng kiến thức tiếng Việt vào việc đọc hiểu văn bản. Vì vậy, cách ôn tập hiệu quả là nên dành thời gian luyện tập vận dụng các kiến thức tiếng Việt đã học vào một văn bản cụ thể.
Có thể “nhóm” các vấn đề lại để luyện tập, chẳng hạn cách nhận diện, tác dụng của các biện pháp tu từ; nhận diện và sửa lỗi sai trong câu... Và cần chú ý trả lời từng câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, tránh dài dòng, lan man.
Chú ý về độ “mở” của đề văn nghị luận
Với phần làm văn, ngữ liệu được sử dụng trong đề bài nghị luận văn học vẫn là những tác phẩm, đoạn trích đã học trong CT - SGK nhưng cách hỏi có thể mới và “mở”.
Trước những đề bài “mở”, chẳng hạn với đề yêu cầu “Cảm nhận về một nhân vật văn học trong CT - SGK lớp 12 mà anh/chị yêu thích”, học sinh cần xác định độ “mở” chính là “mở” về sự chủ động lựa chọn nhân vật để làm bài chứ không phải muốn viết gì thì viết.
Với đề bài này, dù trình bày bằng cách này cách khác, các em vẫn phải xác định một lập luận chặt chẽ thuyết phục với hệ thống ý: vài hiểu biết về tác giả, tác phẩm - xuất xứ nhân vật, những đặc điểm nổi bật ở nhân vật, nghệ thuật xây dựng nhân vật, đánh giá ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề tác phẩm; ý nghĩa của nhân vật đối với bản thân...
Với cả hai dạng bài nghị luận, cần rèn cách viết ngắn gọn, chặt chẽ mà thuyết phục để đảm bảo được yêu cầu của bài văn nghị luận và phù hợp với thời gian 120 phút.
Dạy ngữ văn theo hướng phát triển năng lực
Vào ngày 25.4, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ tổ chức hội thảo “Dạy học ngữ văn trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông”. Hội thảo này sẽ bàn về nội dung CT - SGK, dạy văn theo hướng phát triển năng lực của học sinh.
Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận về các vấn đề khác như kinh nghiệm giáo dục môn ngữ văn từ các nước, cơ sở khoa học và thực tiễn của việc đổi mới mục tiêu của môn ngữ văn trong chương trình tổng thể ở trường phổ thông, những đề xuất đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học môn ngữ văn...
Thạc sĩ Triệu Thị Huệ
Tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM