Cách nhận biết thịt lợn gạo

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Vấn đề thịt lợn gạo đã được đề cập từ lâu nhưng việc hiểu rõ về nó để biết cách phòng tránh thì vẫn là vấn đề bức thiết.

Trao đổi về bệnh lợn gạo, TS. Nguyễn Văn Thọ, Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Khoa Thú y, Đại học Nông nghiệp I cho biết: Lợn gạo là bệnh trong hệ thống các bệnh ký sinh trùng lây truyền giữa động vật và người. Trong bệnh này, lợn đóng vai trò là vật chủ trung gian lây bệnh mang trong mình các ấu trùng sán dây.

Thịt lợn gạo có các ấu trùng này có hình bầu dục, lớn nhất có thể dài tới 9mm, màu trắng đục, bên trong chứa dịch thể và đầu sán. Những ấu trùng này ký sinh ở các cơ hay động nhiều của lợn như cơ gốc lưỡi, cơ đùi sau…

Lợn bị nhiễm ấu trùng do ăn phải trứng của sán dây, trong trứng chứa sẵn ấu trùng có độc lực. Khi lợn ăn phải, ấu trùng này sẽ đi vào đường tiêu hóa của lợn và di chuyển khắp cơ thể và quay về ký sinh ở các cơ vận động mạnh. Những ấu trùng này có thể ký sinh rất lâu trong lợn, nhiều có thể lên tới 4-5 năm.

Người ăn phải thịt lợn chứa ấu trùng sán dây chưa được nấu chín sẽ vô tình giải phóng ấu trùng ở đường tiêu hóa của mình. Đầu sán lúc này sẽ bám vào niêm mạc ruột non và phát triển thành sán dây trưởng thành. Theo thời gian, sán dây sẽ phát triển dần và nó có thể dài tới 7m.

Đây là loại sán dây thải đốt nên mỗi ngày nó có thể thải ra môi trường 4-5 đốt, người ta còn gọi là sán sơ mít. Đặc điểm của những đốt này là chứa toàn trứng (mỗi đốt chứa tới mấy chục vạn trứng). Khi trứng được giải phóng ra môi trường do những đốt này vỡ ra, nó sẽ theo gió, bụi và những hoạt động khác của con người lẫn vào thức ăn, nước uống của lợn, lúc này nó lại bắt đầu chu kỳ phát triển mới trong cơ thể lợn.

Có thể nhận biết thịt lợn nhiễm sán bằng cách nhìn ở những cơ vận động nhiều như cơ gốc lưỡi, cơ đùi nếu có sán sẽ có những hạt như hạt gạo nếp (ấu trùng sán tập trung thành từng bọc), thậm chí nếu mật độ nhiều khi cắt thịt có thể làm rụng những trứng ấu trùng này ra ngoài.

Ăn thịt lợn gạo - nguy hiểm rập rình

Loại sán này có thể dài tới 7m và thải đốt liên tục đồng thời cũng sinh ra đốt mới nên nó sẽ hút hết chất dinh dưỡng từ cơ thể người nó đang ký sinh. Người bị nhiễm sán sẽ bị thiếu dinh dưỡng, gầy còm ốm yếu, đau bụng, tiêu chảy.

Trường hợp người bị tự nhiễm ấu trùng sán hoặc nhiễm do thức ăn không vệ sinh có lẫn trứng sán thì những ấu trùng sán này sẽ vào não, mắt, cơ, da… rất nguy hiểm.

- Ấu trùng sán nếu đi vào não, ký sinh trong não sẽ tạo thành những bọc ấu trùng gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh mà hiện nay mọi người thường gọi là sán não. Các biểu hiện của sán não như đau đầu, buồn nôn, nặng có thể có những biểu hiện co giật giống như bệnh động kinh.

- Ấu trùng sán đi vào mắt, ký sinh trong đáy mắt có thể gây mù lòa.

- Ấu trùng sán ký sinh trong cơ với mật độ cao sẽ gây viêm cơ khiến trương lực cơ giảm, làm giảm khả năng lao động.

- Ấu trùng sán cũng có thể ký sinh ở da gây nên những “hạt gạo” dưới da.

Tiến sĩ Thọ khuyên, khi phát hiện ra thịt lợn gạo thì nên vứt bỏ, không nên ăn để phòng nhiễm bệnh. Các ấu trùng sán này nếu thịt lợn chưa chín có thể đi vào cơ thể và phát triển. Nếu thịt nấu chín thì đã bị mất tác hại, có chăng chỉ là những độc tố của ấu trùng này gây ra, nặng nhất thì có thể gây rối loạn tiêu hóa nhưng thịt này cũng đã bị mất dinh dưỡng, mất ngon, không nên giữ.

Theo SKGD
MỚI - NÓNG