Thầy thuốc ưu tú Phó Đức Mẫn, Chuyên khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn, cho biết bệnh ung thư có thể phòng ngừa được nhờ lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học. Hàng nghìn năm qua, người xưa cũng nói “Bệnh từ miệng mà vào" (bệnh tùng khẩu nhập). Các nghiên cứu khoa học trên thế giới về phòng tránh ung thư cũng kết luận khoảng 40% bệnh ung thư có thể ngừa được bằng cách không cho các nguồn gây bệnh vào cơ thể, nhất là qua đường ăn uống.
Trong 40 năm làm công tác khám chữa bệnh, bác sĩ Mẫn luôn căn dặn bệnh nhân của mình cũng nên thay đổi thói quen ăn uống mỗi ngày để giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Cụ thể như sau:
- Ăn ít thịt, nhiều đậu: Hãy giảm lượng đạm từ động vật và tăng đạm thực vật. Giảm thịt đỏ từ heo, bò, cừu, thay bằng các loại thịt trắng từ gà, cá, hải sản. Dù sao chất béo trong thịt trắng cũng tốt hơn chất béo từ thịt đỏ.
- Ăn ít muối, nhiều dấm: Không nên ăn mặn bởi đây là nguồn gốc của chứng tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch. Cần hạn chế các thức ăn muối mặn như cá khô, rau củ muối chua, các loại mắm.
- Ăn ít nhai nhiều: Không nên ăn quá no. Thuyết nhà Phật dạy: “Chỉ ăn khi đói, ăn rồi vẫn còn đói, chỉ uống khi khát, uống rồi vẫn còn khát”. Hãy dành 20 phút cho mỗi bữa ăn, mỗi miếng nhai 15-20 lần rồi mới nuốt. Khi nhai nhiều giúp thức ăn được nghiền kỹ, trộn đều với men tiêu hóa trong nước miếng. Như thế thức ăn khi xuống bao tử, ruột non sẽ được tiêu hóa tốt và hấp thu nhiều chất bổ dưỡng.
- Chế biến thức ăn bằng cách luộc, hấp tốt hơn chiên, nướng. Hạn chế dầu mỡ hoặc nướng cháy.
- Sữa và các loại thực phẩm chế biến từ sữa được khuyên dùng hàng ngày.
- Tăng cường rau trái để bổ sung chất xơ, chất chống oxy hóa, kháng ung thư. Rau trái màu sậm có trữ lượng chất chống oxy hóa cao. Chất xơ trong rau trái giúp làm sạch đường tiêu hóa.
- Tỏi, gừng, chanh là những gia vị tốt, nên bổ sung vào thực phẩm.
- Ưu tiên chất béo lành như dầu oliu, đậu nành, hướng dương… thay cho chất béo từ mỡ động vật.