Điều chỉnh hướng dẫn miễn thi môn ngoại ngữ:

Các yêu cầu về tiếng Anh đều cao hơn

Các yêu cầu về tiếng Anh đều cao hơn
TP - Hôm qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản điều chỉnh, bổ sung miễn thi môn ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2015.

Theo đó, tất cả các yêu cầu tối thiểu của các chứng chỉ đi kèm mỗi thứ tiếng đều được điều chỉnh, hầu hết theo hướng đặt yêu cầu cao hơn. Ngoài ra tên gọi của một số đơn vị cung cấp chứng chỉ cũng được sửa lại cho chính xác.

Chẳng hạn theo quy định cũ (ban hành ngày 10/10/2014), yêu cầu tiếng Anh đạt TOEFL ITP 400 điểm nay tăng lên 450 điểm; TOEFL iBT đạt 32 điểm nay tăng lên 45 điểm; IELTS đạt 3.5 điểm nay tăng lên 4.0 điểm. Hoặc với tiếng Pháp, Bộ GD&ĐT đã bỏ tên chứng chỉ CELF ra khỏi danh sách những chứng chỉ được miễn thi (do đơn vị cấp chứng chỉ này đã ngừng cấp từ năm 2008).

Ngoài tiếng Anh, cụ thể các yêu cầu với các thứ tiếng như sau: Tiếng Nga - TORFL cấp độ 1; Tiếng Trung Quốc – HSK cấp độ 3; Tiếng Đức - Goethe-Zertifikat B1, Deutsches Sprachdiplom (DSD) B1, Zertifikat B1; Tiếng Nhật - JLPT cấp độ N3.

Nếu đạt một trong số các chứng chỉ trên, thí sinh sẽ được miễn thi môn ngoại ngữ nếu có nhu cầu. Các chứng chỉ đó có giá trị để được xét công nhận tốt nghiệp THPT để đi học nghề, du học, tham gia tuyển sinh vào các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng tuyển sinh dựa vào kết quả học tập của học sinh... Các chứng chỉ này đều phải có giá trị sử dụng tính đến ngày 9/6/2015.

Ngoài ra, thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo Quyết định của Bộ GD&ĐT cũng được miễn thi.

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển giải thích, sở dĩ có việc điều chỉnh và bổ sung này là bởi khi làm hướng dẫn cũ, cơ quan tham mưu cho Bộ GD&ĐT thiếu thông tin nên đưa ra các quy định không phù hợp. Về lý do nâng các yêu cầu với các chứng chỉ môn tiếng Anh, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giải thích: “Quy định cũ tương ứng với chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình môn Ngoại ngữ hiện hành, nghĩa là chương trình 7 năm, nó tương đương với năng lực ngoại ngữ bậc 2 - tức A2 theo khung châu Âu. Còn quy định mới tương ứng với chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình môn Ngoại ngữ 10 năm, chương trình này được biên soạn theo yêu cầu của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, tương đương với năng lực ngoại ngữ bậc 3 – tức B1”.

Khi phóng viên đặt vấn đề, đối tượng học sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm nay chỉ được thụ hưởng chương trình tiếng Anh 7 năm thì liệu quy định của Bộ GD&ĐT có công bằng không với các em, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời: “Các em có hai lựa chọn, hoặc là dự thi môn tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia, hoặc là xin miễn thi nếu đủ điều kiện. Nếu dự thi, các em sẽ chỉ phải làm bài theo yêu cầu của đề thi là chuẩn kiến thức kỹ năng chương trình 7 năm. Còn muốn được miễn thi thì các em phải chấp nhận phải giỏi hơn”.

MỚI - NÓNG