Tù mù với miễn thi ngoại ngữ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Với quy định chung về miễn thi môn ngoại ngữ, nhiều ý kiến cho rằng sẽ rất rối nếu không đưa ra được căn cứ để quy đổi điểm cho thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Bộ Giáo dục và Đào Tạo (GD-ĐT) ngày 17/10 đã công bố quy định miễn thi môn ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT năm 2015. Theo đó, trong kỳ thi năm 2015, miễn thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT cho các thí sinh có nguyện vọng và đáp ứng một trong các điều kiện là đã tham dự kỳ thi Olympic quốc tế môn ngoại ngữ, đồng thời có một trong các chứng chỉ quốc tế còn giá trị sử dụng tính đến ngày tổ chức kỳ thi (9-6-2015).

Chưa rõ quy chuẩn tương đương

Đối với môn tiếng Anh, chứng chỉ đạt yêu cầu tối thiểu là TOEFL ITP 400 điểm, TOEFL iBT 32 điểm, TOEIC 400 điểm (do tổ chức Educational Testing Service (ETS) cấp), IELTS 3.5 điểm (do ETS, British Council, IDP Education cấp).

Quy định cũng nêu rõ trong những năm trước mắt, đề thi ngoại ngữ bảo đảm phù hợp với chương trình bộ môn hiện hành (học trong 7 năm học) nên yêu cầu năng lực tương ứng bậc 2, khung 6 bậc Việt Nam (tương đương A2 khung tham chiếu châu Âu). Trong những năm sau, học sinh học chương trình 10 năm, đề thi sẽ yêu cầu năng lực bậc 3, khung 6 bậc Việt Nam (tương đương B1, khung tham chiếu châu Âu).

Theo Bộ GD-ĐT, việc miễn thi môn ngoại ngữ để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ do các trường quyết định và công bố, thí sinh cần theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường để biết và thực hiện. Quy chế kỳ thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể việc miễn thi môn ngoại ngữ này.

Ngay sau khi có quyết định này, đại diện các trường THPT, ĐH và CĐ đã có các ý kiến trái chiều. Ông Nguyễn Long Sơn, Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành Sài Gòn (TP HCM), cho rằng xét ở một góc độ nào đó thì việc này là tích cực vì góp phần giảm áp lực thi cử cho học sinh. Thay vì phải thi 4 môn, nay chỉ thi 3 môn, nếu học sinh có đủ chứng chỉ theo yêu cầu.

Vấn đề là cách làm chưa ổn. Chưa rõ Bộ GD-ĐT lấy quy chuẩn nào để đưa ra mức TOEFL ITP 400 điểm, TOEFL iBT 32 điểm, TOEIC 400 điểm… thì được miễn thi; có tính toán hệ tiếng Anh 7 năm như hiện nay ở trường phổ thông thì có thể đạt trình độ như thế không hay phải học thêm bên ngoài?

Trong khi đó, một ý kiến khác băn khoăn trước việc thay đổi trong thời gian gấp gáp sẽ không tốt và học sinh sẽ chịu thiệt thòi, riêng đối với việc môn ngoại ngữ cũng là cách làm vội vã, không logic.

Cũng có ý kiến cho rằng về mặt lý thuyết là rất tốt nhưng băn khoăn về tiêu chí nào để Bộ GD-ĐT lấy chứng chỉ IELTS, TOEIC, TOEFL… quy đổi, những đơn vị cấp bằng như trên để xét miễn thi môn ngoại ngữ hay là tự xác định và cho phép?

Quy đổi thế nào?

Nhiều ý kiến cho rằng quy định này chỉ tích cực cho những người có điều kiện học và thi ngoại ngữ ở thành phố, còn ở những địa phương không có điều kiện thì rất bất công. Với những trường tổ chức thi, xét tuyển có môn tiếng Anh thì họ có công nhận điều kiện về ngoại ngữ mà Bộ GD-ĐT quy định? Với những trường hợp học sinh được miễn thi ngoại ngữ nhưng trường ĐH mà thí sinh muốn xét tuyển không công nhận thì vẫn phải thi. Như vậy, mục đích giảm áp lực cho kỳ thi không đạt được mà thêm rối rắm.

Đại diện các trường ĐH thì rất lo về việc Bộ GD-ĐT không đưa ra tiêu chuẩn quy đổi cụ thể. Ví dụ, TOEFL ITP 400 điểm là tương đương với 8 điểm hay 10 điểm để làm căn cứ cho các trường ĐH xét tuyển.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội), cho hay nếu không có tiêu chí quy đổi cụ thể thì trường vẫn phải dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia để xét tuyển. Trong tuyển sinh, việc hơn kém nhau 0,5 điểm là rất quan trọng nên phải có quy đổi thật cụ thể. Còn nếu không, thí sinh phải đăng ký thi môn tiếng Anh để có điểm xét tuyển.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội, cho rằng đây là quy định mới nên trường sẽ phải bàn bạc cụ thể. Năm nay, điểm thi môn ngoại ngữ sẽ được Trường ĐH Hà Nội nhân 2 với 15 ngành ngoại ngữ của trường nên đây là môn thi rất quan trọng.

Học sinh sẽ đổ xô thi lấy bằng?

Ông Nguyễn Long Sơn lo lắng về tình trạng nếu biết là miễn thi thì học sinh sẽ đổ xô đi học để lấy bằng. Học sinh vốn có thế mạnh về tiếng Anh sẽ chủ quan chỉ cần có chứng chỉ là đạt nên lơ là chuyện học trong nhà trường.

Ông Cao Huy Thảo, Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt Úc (TP HCM), phân tích: Mặt tích cực của quy định này là giảm áp lực thi cử cho học sinh nhưng cũng có mặt trái là nếu học sinh nào đã có chứng chỉ ngoại ngữ đủ chuẩn theo quy định sẽ thấy việc học ngoại ngữ trong trường là vô bổ.

Mục tiêu học tiếng Anh, suy cho cùng phải là giao tiếp được nên khi thi lấy chứng chỉ quốc tế, học sinh phải thuần thục cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết), trong khi tiếng Anh ở trường phổ thông vẫn chỉ tập trung ngữ pháp, viết và đọc.

Cho nên, việc quy định miễn thi môn ngoại ngữ sẽ tác động ngược trở lại cách dạy và học tiếng Anh tại các trường phổ thông hiện nay.

Theo Theo Người lao động
MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.