Khoảng 1h30 ngày 23/3, tòa chung cư cao cấp Carina Plaza trên đường Võ Văn Kiệt, thuộc địa phận phường 16 (quận 8, TP HCM) bất ngờ xảy ra hỏa hoạn. Vụ hỏa hoạn bùng phát ở tầng hầm gửi xe, kèm theo nhiều tiếng nổ. Lửa và lượng khói lớn từ vụ cháy khiến 13 người tử vong, 27 người bị thương. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định các nạn nhân tử vong do ngạt khí.
Sau khi xảy ra vụ việc, dư luận rất hoang mang và lo lắng tới an toàn của bản thân và gia đình, đặc biệt các hộ sống tại các khu chung cư, khu tập thể cao tầng. Nhiều người chia sẻ, truyền nhau về phương pháp tự thoát hiểm khi xảy ra sự cố bằng các thiết bị như: mặt nạ chống độc, thang dây, ròng rọc, chăn dập lửa, búa thoát hiểm, bình cứu hỏa mini.
Mặt nạ chống độc
Hầu hết các nạn nhân tử vong trong các vụ cháy do bị ngạt khí. Khi hít phải khói, khí độc cở thể người sẽ dễ rơi vào trạng thái ngất lịm và tử vong chỉ trong vài phút. Vì vậy, mặt nạ chống khói thoát hiểm là thiết bị không thể thiế trong bộ sản phẩm thiết bị cứu hỏa gia đình bạn.
Thiết bị này có thể lọc khói, khí độc trong vòng 30 phút, tạo khoảng thời gian để người dân tìm lối thoát hiểm hoặc chờ lực lượng chức năng đến giải cứu.
Tại Hà Nội, mặt nạ phòng khói, phòng khí độc được bán phổ biến trong các cửa hàng trang thiết bị bảo hộ lao động, PCCC trên đường Lê Duẩn, Yết Kiêu, Nguyễn Du. Theo ghi nhận của phóng viên, giá của mặt nạ chống độc thông thường dao động từ 150.000-200.000 đồng; mặt nạ chống độc nhập khẩu từ Nga có giá từ 400.000-500.000 đồng.
Loại mặt nạ này được nhân viên tại cửa hàng trên đường Nguyễn Du giới thiệu tuy người sử dụng phải trùm kín đầu khá bí nhưng hiệu quả đảm bảo trong cả trường hợp có các chất độc, khí độc tại nơi bị cháy.
Ròng rọc, dây thoát hiểm
Ròng rọc thoát hiểm là thiết bị rất hữu dụng trong tình huống xảy ra hỏa hoạn ở tòa nhà cao tầng khi lửa khói bao phủ cầu thang bộ thoát hiểm. Ròng rọc thoát hiểm gồm các bộ phận: dây thừng, đai, ròng rọc, móc. Với cơ chế tự hãm và có bộ điều khiển tốc, đây được coi là thiết bị khá hữu dụng khi gặp sự cố hỏa hoạn để thoát từ tầng cao xuống đất.
Dây thoát hiểm hiện nay có nhiều sản phẩm trên thị trường và đều có tính năng chống lửa. Thiết bị này được tích hợp gọn gàng trong ba lô gồm 1 móc an toàn, 1 cáp chống cháy. Móc được gắn trong văn phòng hoặc nhà ở, ban công.
Khi xảy ra hỏa hoạn, người dùng đeo balô lên vai, thắt dây an toàn rồi móc cáp vào móc, sau đó từ từ leo xuống. Nhờ vậy, người dân sẽ hạn chế bớt các công đoạn xử lý khi có sự cố và không cần tập luyện nhiều.
Chăn dập lửa, bình cứu hỏa mini
Chăn dập lửa hay còn gọi là chăn chữa cháy cũng rất cần thiết khi sự cố hả hoạn xảy ra. Tác dụng của chăn có thể sử dụng để dập tắt đám lửa nhỏ bằng cách chùm chăn trực tiếp lên đám cháy. Mặt khác, bạn cũng có thể sử dụng chăn dập lửa quấn vào cơ thể để vượt qua đám cháy.
Đối với nhiều trường hợp phát hiện điểm bùng phát khi ngọn lửa còn nhen nhóm thì việc sử dụng bình cứu hỏa mini sẽ hạn chế cháy lan, bùng phát cháy lớn và giảm được nhiều thiệt hại do cháy nổ gây ra.
Búa thoát hiểm
Rất nhiều trường hợp nạn nhân do quá hoảng loạn và không có dụng cụ hỗ trợ đã bị tử vong khi bị mắc kẹt trong phòng kín. Chính vì thế, chiếc búa thoát hiểm để phòng trừ trường hợp cửa phòng, lối thoát hiểm bị khóa trái.