Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa có báo cáo Nhu cầu vàng thế giới quý III/2015. Trong đó, cơ quan này ước tính các ngân hàng trung ương đã mua vào 175 tấn vàng. Con số này chỉ thấp hơn 3% so với kỷ lục 179,5 tấn cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, các ngân hàng trung ương đã mua ròng 425,8 tấn. Năm nay, Nga tiếp tục là quốc gia mua về nhiều vàng dự trữ nhất. Nhưng điều đặc biệt là Trung Quốc, sau nhiều năm im ắng, gần đây cũng đã liên tục tăng tích trữ vàng. Dưới đây là 10 nước có trữ lượng vàng lớn nhất thế giới, theo WGC.
1. Mỹ Dự trữ vàng chính thức: 8.133,5 tấn Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 72,7% Mỹ đạt trữ lượng vàng lớn nhất vào năm 1952 với tổng cộng 20.663 tấn. Sau đó, con số này giảm xuống dưới 10.000 tấn lần đầu vào năm 1968.
2. Đức Dự trữ vàng chính thức: 3.381 tấn Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 67,1% Năm 2013, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) công bố kế hoạch chuyển vàng dự trữ từ Ngân hàng Trung ương Mỹ và Pháp về nước, đồng thời giữ nửa số vàng của mình tại Frankfurt. Việc này sẽ hoàn thành vào năm 2020.
3. Italy Dự trữ vàng chính thức: 2.451 tấn Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 65% Năm 2013, Ngân hàng Trung ương Italy tuyên bố dự trữ vàng là chìa khóa để có sự độc lập. “…những nhân tố lịch sử và tâm lý đều minh chứng cho vị trí quan trọng của vàng. Vàng là cơ sở để Ngân hàng Trung ương có thể hoạt động độc lập, trong vai trò lá chắn cuối cùng của tài chính quốc gia”.
4. Pháp Dự trữ vàng chính thức: 2.435,5 tấn Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 62,1% Tháng 11/2014, lãnh đạo đảng cánh hữu - bà Marine Le Pen tuyên bố rằng bà muốn vàng Pháp phải trở về nước Pháp, đồng thời yêu cầu ngân hàng trung ương mua thêm vàng dự trữ.
5. Trung Quốc Dự trữ vàng chính thức: 1.708,5 tấn. “Cái tên đáng chú ý nhất trong bảng xếp hạng lần này là Trung Quốc, sau 6 năm im hơi lặng tiếng, lại đột ngột có sự thay đổi về vàng dự trữ. Trong quý III, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bổ sung 50,1 tấn vàng vào kho. Trữ lượng chính thức đạt 1.708,5 tấn vào cuối quý, nhưng vẫn chiếm chưa đầy 2% tổng dự trữ ngoại hối”, báo cáo của WGC cho biết.
6. Nga Dự trữ vàng chính thức: 1.352,2 tấn Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 13,1% WGC nhận xét trong báo cáo rằng: “Nga lại một lần nữa đi tiên phong, tăng trữ lượng vàng của mình thêm 77,2 tấn trong quý ba, nâng lượng vàng đã mua ròng từ đầu năm nay lên 144 tấn”.
7. Thụy Sĩ Dự trữ vàng chính thức: 1.040 tấn Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 6,2% Tháng 11/2014, nước này tổ chức trưng cầu dân ý nhằm buộc ngân hàng trung ương tăng trữ lượng vàng lên 20%. Tuy nhiên, việc này đã không nhận được sự ủng hộ từ cử tri.
8. Nhật Bản Dự trữ vàng chính thức: 765,2 tấn Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 2,2 % Năm 1950, Nhật Bản chỉ có 6 tấn vàng. Nhưng đến năm 1959, họ đột ngột mua thêm tới 169 tấn. Năm 2011, cơ quan này đã phải bán vàng để có 20.000 tỷ yen bơm vào nền kinh tế, sau thảm họa sóng thần và hạt nhân.
9. Hà Lan Dự trữ vàng chính thức: 612,5 tấn Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối: 55,8% Cuối năm 2014, Ngân hàng Trung ương Hà Lan thông báo đã đưa về nước một lượng vàng lớn từ Mỹ và hy vọng biện pháp này sẽ có "tác động tích cực tới niềm tin của nhân dân", theo Wall Street Journal.
10. Ấn Độ Dự trữ vàng chính thức: 557,7 tấn Tỷ lệ vàng trong dự trữ ngoại hối:5,6%. Ấn Độ và Trung Quốc là hai thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Theo Bloomberg, gần đây, Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố ông muốn "sử dụng lượng kim loại quý dự trữ để giảm nhu cầu vật chất, đồng thời giảm nhập khẩu bằng cách cung cấp cho mọi người các kênh đầu tư khác".