Các quốc gia EU đối mặt rủi ro pháp lý nếu khuyến nghị tiêm mũi vắc-xin tăng cường

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh hoạ: Reuters
Ảnh minh hoạ: Reuters
TPO - Uỷ ban Châu Âu (EC) cho biết các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) nếu quyết định triển khai tiêm mũi vắc-xin tăng cường ngừa COVID-19 có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro pháp lý.

Trên thực tế, việc tiêm vắc-xin mũi tăng cường chưa được Cơ quan Quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) khuyến nghị. EMA từng nhiều lần nhấn mạnh cơ quan này cần thu thập thêm dữ liệu trước khi chính thức phê duyệt cho việc tiêm mũi tăng cường. Tuy nhiên, ít nhất tám quốc gia châu Âu đã quyết định khuyến nghị công dân tiêm nhắc lại, và hơn một chục quốc gia khác sẽ sớm có các động thái tương tự.

Trong một tuyên bố ngày 26/8, EC cho biết: “Việc tiêm liều tăng cường hiện chưa được đề cập đến trong giấy phép lưu hành của vắc-xin COVID-19, và chưa được EMA đánh giá khoa học vì chưa có đủ dữ liệu.”

“Các quốc gia thành viên EU tự chịu trách nhiệm nếu quyết định cho phép tiêm mũi tăng cường”, EC nhấn mạnh. Điều này có nghĩa là trong trường hợp xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn liên quan đến liều tăng cường, các quốc gia EU có thể sẽ phải tự gánh chịu bất cứ hậu quả pháp lý và yêu cầu bồi thường nào.

Bên cạnh đó, công ty sản xuất vắc-xin cũng không được miễn trách nhiệm hoàn toàn nếu có rủi ro với việc tiêm mũi tăng cường không có sự phê chuẩn của EMA. Ví dụ, trong trường hợp xảy ra tác dụng phụ sau khi tiêm mũi tăng cường mà nguyên nhân là do quy trình sản xuất, thì hãng sản xuất vắc-xin sẽ bị liên đới.

Hiện EU chỉ chịu trách nhiệm pháp lý và bồi thường trong trường hợp xảy ra các tác dụng phụ không mong muốn liên quan đến đặc tính của vắc-xin hoặc quá trình sản xuất vắc-xin. Mỗi công ty cung cấp vắc-xin ngừa COVID-19 cho EU đều đã đàm phán nhiều điều khoản khác nhau về việc quy trách nhiệm. Phần lớn các điều khoản này được giữ bí mật.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), Áo, Bỉ, Pháp, Hungary, Liechtenstein, Litva, Luxembourg và Slovenia đang khuyến nghị tiêm mũi vắc-xin tăng cường, trong khi Đức dự định đưa ra khuyến nghị tương tự vào mùa Thu tới. 13 quốc gia châu Âu khác đang thảo luận về vấn đề này.

Những tháng gần đây, EU đã dự trữ hàng tỷ liều vắc-xin của nhiều nhà sản xuất khác nhau để sử dụng trong vài năm tới. EU nói rằng số vắc-xin này có thể được sử dụng để tiêm mũi tăng cường, phòng ngừa các biến thể mới hoặc để viện trợ cho những quốc gia khó khăn hơn.

Tuần trước, cơ quan y tế Mỹ cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho toàn bộ người dân từ ngày 20/9, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trở lại do biến thể Delta.

Ngày 24/8, Israel cũng tuyên bố mở rộng nhóm đối tượng tiêm liều tăng cường đến những người trên 30 tuổi. Từ cuối tháng Bảy, Israel đã bắt đầu tiêm mũi vắc-xin thứ ba cho nhóm công dân trên 60 tuổi. Đến giữa tháng Tám, nhóm đối tượng tiêm mũi tăng cường được mở rộng với những người trên 50 tuổi, nhân viên y tế, người mắc bệnh nền…

Khuyến nghị mới của Israel được đưa ra một ngày sau khi Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tiếp tục kêu gọi các quốc gia tạm dừng tiêm mũi tăng cường để dành vắc-xin cho những nước nghèo hơn với tỉ lệ tiêm chủng chỉ đạt 1-2%.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG