Các ngân hàng lãi lớn

Ngân hàng đã có một năm thắng lớn
Ngân hàng đã có một năm thắng lớn
TP - Dù trải qua một năm kinh doanh "sóng to, gió cả" trên thị trường tiền tệ, nhưng kết quả kinh doanh của các ngân hàng thương mại phần lớn vẫn lãi lớn.
Ngân hàng đã có một năm thắng lớn
Ngân hàng đã có một năm thắng lớn . Ảnh: Hồng Vĩnh

Lãi khủng

Ngân hàng cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) là 1 trong 5 ngân hàng thuộc khối quốc doanh công bố lãi đầu tiên. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank lên tới 4.500 tỷ đồng. (đạt 133,4% kế hoạch, nộp ngân sách nhà nước 1.400 tỷ đồng).

Dù phía Vietcombank khá kín tiếng nhưng mức lãi của ngân hàng này còn lớn hơn Vietinbank. Bị trói buộc bởi quy định niêm yết trên sàn và đang chờ kết quả kiểm toán, nhưng về cơ bản, các ngân hàng như ACB, Sacombank, Eximbank đều khẳng định cán đích thành công.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB, chia sẻ: "Kết quả sắp công bố ACB đạt mục tiêu đề ra" (kế hoạch lợi nhuận năm 2010 là 3.600 tỷ đồng). Còn một vị lãnh đạo của Eximbank cởi mở hơn cho hay số lãi cả năm nhỉnh hơn con số 2.300 tỷ đồng.

Trước đó ít ngày, bà Cao Thúy Nga, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), cho biết: "Lãi trước thuế của MB đạt 2.100 tỷ đồng, trong khi chỉ tiêu đặt ra chỉ 1.700 tỷ đồng vượt tới 127% kế hoạch". Với ngân hàng Techcombank, theo một nguồn tin, đạt lợi nhuận theo kế hoạch khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.

Ở nhóm những ngân hàng non trẻ, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietbank, cho hay lãi trước thuế ngân hàng này đạt trên 800 tỷ đồng; chia cổ tức dự kiến 15% bằng tiền mặt. Còn nếu tính trên tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn điều lệ bình quân thì hiện tại Maritime Bank đang dẫn đầu với con số 46%. Đạt lợi nhuận trước thuế và trước trích lập dự phòng là 1.706 tỷ, sau trích lập dự phòng đạt 1.518 tỷ (bằng 126,5% kế hoạch năm).

Rất hiếm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hoá có số lợi nhuận “khủng” như các ngân hàng
Rất hiếm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hoá có số lợi nhuận “khủng” như các ngân hàng . Ảnh: Hồng Vĩnh

Lần đầu kể từ ngày chuyển từ ngân hàng nông thôn lên đô thị, cuối tuần qua, ban lãnh đạo ngân hàng cổ phần Đại Dương (OceanBank) công bố kết quả kinh doanh năm 2010 với các chỉ tiêu hoạt động cơ bản đều vượt kế hoạch, tăng trưởng cao, lợi nhuận đạt trên 691 tỷ đồng (trước thuế) đạt 133% kế hoạch.

Một số ngân hàng khác như: An Bình lãi trước thuế 638 tỷ đồng (kế hoạch 580 tỷ); SHB lãi hơn 600 tỷ đồng; HDBank vượt chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra là 300 tỷ đồng...

Lãi từ đâu đến?

2010 là năm có nhiều sóng gió trên thị trường tiền tệ. Nhưng các ngân hàng vẫn thắng lớn, lãi đến từ đâu? Trao đổi với Tiền Phong, bà Cao Thúy Nga, Phó Tổng GĐ MB, cho hay: Nguồn thu lãi của MB chủ yếu từ kinh doanh tín dụng, cho vay trên thị trường liên ngân hàng, thu bảo lãnh, kinh doanh ngoại tệ...

Ông Nguyễn Thanh Toại cho biết, lợi nhuận của ACB chủ yếu đến từ dịch vụ và tín dụng. Còn theo ông Nguyễn Đức Hưởng, không thể phủ nhận lãi của nhiều ngân hàng (trong đó có LienVietbank) hiện tại trông khá nhiều vào việc cho vay lại trên thị trường tín dụng. Chỉ những ngân hàng lớn, trường vốn và cho vay không dàn trải, ít rủi ro mới có thể làm được.

Cũng từng đó nghiệp vụ tại sao ngân hàng này lãi, ngân hàng khác lại chật vật? Theo bà Nga, mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ ngân hàng phải biết chọn "điểm rơi". Ví như đầu năm 2010, khi NHNN thắt chặt thanh khoản thì MB hoạt động mạnh trên thị trường vốn, không tăng trưởng tín dụng. Nửa năm về sau khi nới lỏng chính sách, lãi suất thả nổi hơn MB lại đẩy nhanh tốc độ cho vay... Nói chung là phải cực kỳ linh hoạt.

Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh nguồn vốn của một ngân hàng lãi lớn, chia sẻ: "Nhìn chung, 2010 là năm thắng lớn với các ngân hàng vốn lớn lại biết đón đầu những thông tin về lãi suất cơ bản, lãi suất thế chấp các loại giấy tờ có giá để vay vốn từ ngân hàng Nhà nước (thị trường mở) nhằm chiếm ưu thế về phân bổ dòng tiền, mang lại lợi nhuận tức thời.

Sự phân hóa mạnh- yếu giữa các ngân hàng đang diễn ra rất mạnh. Riêng cơn sốt và khan hiếm ngoại tệ của năm vừa qua đã khiến một nguồn tiền lãi lớn chảy về những ngân hàng mạnh về hoạt động kinh doanh ngoại hối. Những ngân hàng dồi dào vốn chỉ cần cho vay lại trên thị trường liên ngân hàng cũng ăn đủ. Còn thiệt thòi nhất là các ngân hàng nhỏ, không biết lượng sức mình cho vay tràn lan quá nhiều rủi ro. Kết quả là các NH đó làm được bao nhiêu, tiền lời sẽ chảy về túi ngân hàng lớn".

Thưởng Tết 1,2 tỷ đồng

Nếu như năm 2009, giám đốc chi nhánh Hà Nội của một NH phía Nam được thưởng tết trị giá bằng một ôtô Honda Civic, thì năm nay mức thưởng đó xem ra chưa thấm vào đâu. Lãnh đạo của một ngân hàng cổ phần lớn bật mí với Tiền Phong, giám đốc chi nhánh TP Hồ Chí Minh của ông sẽ được lãnh thưởng 16 tháng lương, suýt soát 1,2 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG