Các hãng taxi Việt liên kết, hợp nhất: Có thật sự lột xác?

G7 taxi được hy vọng sẽ tạo ra được sự “lột xác” cho taxi truyền thống. Ảnh: T.Đảng
G7 taxi được hy vọng sẽ tạo ra được sự “lột xác” cho taxi truyền thống. Ảnh: T.Đảng
TPO - Trong mấy ngày qua, dư luận thị trường vận tải đang được quan tâm việc 3 hãng taxi Hà Nội vào hàng lớn nhất Hà Nội hợp nhất và lấy thương hiệu chung là “G7 taxi”. Sau khi hợp nhất, G7 taxi có số lượng xe nhiều nhất Hà Nội với 3000 xe. Đây cũng là sự đổi mới của các hãng taxi trong nước trước sự cạnh tranh khốc liệt của grap và nhiều hãng xe ứng dụng sớm về công nghệ...

Giảm chi phí, bộ máy cồng kềnh

 Sau một thời gian dài đàm phán và vạch ra các chiến lược kinh doanh, giữa tháng 8 vừa qua, lãnh đạo 3 hãng taxi tại Hà Nội là Ba Sao, Thành Công, Sao Hà Nội đã đạt được thỏa thuận là ký kết hợp tác toàn diện để thành lập nên hãng G7 taxi. Sau khi hợp nhất, G7 taxi có khoảng 3.000 xe và trở thành hãng có số lượng taxi lớn nhất Hà Nội.

Theo thảo thuận đã ký kết, toàn bộ khoảng 3.000 xe taxi của 3 hãng taxi Ba Sao, Thành Công, Sao Hà Nội sẽ hoạt động dưới bộ nhận diện thương hiệu “G7 taxi” và chung một hệ thống điều hành, phần mềm dịch vụ, quản lý (App). G7 taxi sẽ có trách nhiệm đầu tư phát triển thương hiệu, thị trường và thu phí quản lý thương hiệu của các hãng taxi này. G7 taxi sẽ chi trả toàn bộ chi phí thay thế nhận diện thương hiệu cho toàn bộ các xe đúng lịch.

Dự kiến, những xe taxi mang thương hiệu  “G7 taxi” sẽ bắt đầu lăn bánh, phục vụ hành khách trên đường Hà Nội từ tháng 10/2018. Trước khi G7 taxi ra đời, hãng taxi Mai Linh, Hà Nội Group là 2 hãng taxi có số lượng xe lớn nhất Hà Nội.

Đề cập đến chiến lược phát triển, kinh doanh, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc hãng taxi Ba Sao, đồng thời là Chủ tịch HĐQT của G7 taxi cho biết, tuy có tiềm lực về thị trường, thương hiệu, đặc biệt là số lượng xe nhưng G7 taxi vẫn hướng đến đối tượng khách hàng phổ thông.

Theo đó, giá cước được áp dụng cho đối tượng này bằng giá thị trường chung hoặc thấp hơn. Về chất lượng dịch vụ, ông Huy cho biết, sau hợp nhất, 3 hãng đang bắt tay xây dụng một hệ thống điều hành chung, trong đó có trung tâm điều hành, tổng đài, bộ nhận diện… Đặc biệt, để phù hợp với xu thế kinh doanh mới, G7 taxi cũng xây dựng một ứng dụng (App) riêng để hành khách sử dụng song song với cách gọi taxi truyền thống.

Đánh giá về việc liên kết và hợp nhất của G7 taxi, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp Hội taxi Hà Nội cho rằng, trước việc xâm nhập mạnh mẽ của các taxi công nghệ nước ngoài, việc các hãng taxi Việt hợp nhất để lớn mạnh hơn là một xu thế đúng đắn. “Đây là các giải pháp giúp cho các hãng taxi Việt giảm bớt chi phí, bộ máy cồng kềnh. Từ đó có điều kiện đầu tư cho phương tiện, chất lượng dịch vụ và ứng công nghệ trong công tác điều hành, quản lý”, ông Hùng nhấn mạnh.

Có giảm cước, tăng minh bạch?

Cho ý kiến về một số giải pháp hãng taxi Việt đưa ra để phát triển trong thời gian qua, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp Hội vận tải Hà Nội cho rằng, trước khi có thương hiệu G7 taxi, hầu hết các hãng taxi Việt đều đã xây dựng phần mềm gọi xe thông minh để cạnh tranh với taxi công nghệ Grap. Tuy nhiên, do dịch vụ, cách thức hoạt động, đặc biệt là giá cước không có gì thay đổi nên hầu hết các phần mềm – App này rơi vào tình trạng chết yểu.

Theo ông Liên, các hãng taxi Việt đã chi hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng cho việc xây dựng phầm mềm gọi xe nhưng dịch vụ không có gì đổi mới, giá cước vẫn cao từ 11.000  đến 16.000 đồng/km thì không thể tạo được đột biến. Cùng với đó, App của các hãng taxi Việt trong một số khung giờ, thường báo hết xe, có trường hợp chấp nhận kết nối nhưng hành khách chờ mãi không thấy xe đã làm giảm sự cạnh trang.

Các hãng taxi Việt liên kết, hợp nhất: Có thật sự lột xác? ảnh 1 Muốn tồn tại và phát triển taxi truyền thống buộc phải đổi mới mình.

Trao đổi với Tiền Phong về phương những thực tế nêu trên, ông Vũ Quốc Huy cho rằng, trước khi hợp nhất, phầm mềm quản lý và gọi xe theo công nghệ đã được 3 hãng triển khai. Với taxi Ba Sao, hiện nay phần mềm này tích hợp được cả các cuộc họi truyền thống (qua tổng đài) và kết nối trên thiết bị cầm tay.

Nhờ việc áp dụng thành công phần mềm công nghệ trên, từ giá cước đến dịch vụ của taxi Ba Sao luôn có sự thay đổi theo hướng tốt lên. Cụ thể, không chỉ các cuộc gọi xe từ phầm mềm công nghệ mà khách hàng gọi xe qua tổng đài đều được ứng dụng gửi một tin nhắn đến điện thoại của khách hàng.

Từ tin nhắn này với khách hàng sử dụng điện thoại truy cập được mạng sẽ kích vào đường link gửi kèm để biết được tất cả thông tin liên quan đến chuyến đi, như lái xe, biển số xe, xe đang ở đâu đến, giá cước bao nhiêu… Điều này xóa tan lo lắng của hành khách về việc lái xe có thể chạy lòng vòng, tính cước không minh bạch.

Từ những tiện ích trên, với 700 xe taxi hãng Ba Sao đang có, mỗi ngày trung bình hãng nhận hơn 5.000 cuộc gọi, kết nối của khách. So với các năm trước, số lượng này đang tăng 20 đến 30%. “Trong bối cảnh kinh doanh vận tải taxi khó khăn như thế này, việc tăng trưởng được cả 2 con số là vô cùng đáng ghi nhận. Từ thực tế và các điều kiện kinh doanh này, chúng tôi quyết tâm hợp nhất để tiếp tục triển khai, nhân rộng thành quả”, ông Huy nói.

Đề cập đến giá cước của G7 taxi, ông Huy thông tin, do giảm được chi phí quản lý, điều hành sau khi hợp nhất và ứng dụng các công nghệ mới trong kết nối, gọi xe nên giá cước của G7 taxi chắc chắn rẻ hơn thị trường. Ông Huy dẫn chứng, hiện nay giá cước hành khách đi taxi truyền thống đang có mức trung bình 11.000/km đồng cho quãng đường dưới 10 km, với G7 taxi quãng đường này có giá 9.000 đồng/km (giảm 3.000 đồng/km).

“Giá cước này chúng tôi đảm bảo duy trì trong một thời gian dài nếu không có biến động lớn về giá nhiên liệu. Cùng với đó, G7 taxi cũng giữ ổn định giá cước này với mọi khung giờ và không có chuyện tăng vào thời gian cao điểm hay trời mưa, bão”, ông Huy khẳng định.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.