Một dự án để xảy ra phá rừng ở Lâm Đồng |
Sở Tài chính Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Chi cục thuế tỉnh về việc phối hợp, đôn đốc thu nộp tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên rừng và gia hạn dự án theo kết luận thanh tra, kiểm toán.
Theo thống kê của ngành chức năng, đến nay Lâm Đồng còn 81 doanh nghiệp nợ tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng với 257 tỉ đồng và 13 doanh nghiệp chưa nộp 3,75 tỉ đồng tiền gia hạn dự án giai đoạn 2015-2017 sau kết luận của Thanh tra Chính phủ.
4 huyện có tỷ lệ các doanh nghiệp nợ tiền bồi thường thiệt hại về lâm sản và môi trường cao là Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Lạc Dương và Đức Trọng.
Trong số 81 doanh nghiệp nợ tiền bồi thường giá trị thiệt hại tài nguyên rừng, Cty TNHH Sản xuất - Thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Thịnh (huyện Đạ Tẻh) dẫn đầu với hơn 69,8 tỉ đồng, trong đó tiền thiệt hại lâm sản 17,3 tỉ đồng và tiền thiệt hại về môi trường 52,5 tỉ đồng. Chỉ riêng số tiền nợ của doanh nghiệp này đã chiếm hơn 27% tổng số tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng toàn tỉnh.
Kế đến là Cty TNHH Vĩnh Tuyền Lâm (huyện Đức Trọng ) còn nợ hơn 22,5 tỉ đồng, Cty TNHH SXTM Hồng Thuận Đức Trọng (huyện Đức Trọng) gần 20 tỉ đồng, Cty TNHH TM DV XNK Võ Hà Lê (huyện Lạc Dương) gần 19 tỉ đồng, CTCP Đa Sar (TP Đà Lạt) gần 14,8 tỉ đồng, Cty TNHH Ngọc Mai Trang (huyện Lạc Dương) gần 12 tỉ đồng, Cty TNHH An Nguyễn (huyện Bảo Lâm) gần 12 tỉ đồng…
Cũng theo Sở Tài chính Lâm Đồng, thời gian qua, đơn vị đã theo dõi, đôn đốc các tổ chức nộp số tiền còn nợ trong việc bồi thường giá trị tài nguyên rừng, tiền gia hạn dự án theo kết luận thanh tra, kiểm toán. Tuy nhiên, việc chấp hành của các tổ chức này rất hạn chế.
Trước tình hình trên, Sở Tài chính đề nghị Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng phối hợp đôn đốc và có biện pháp chế tài, cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các quy định khác có liên quan để thu hồi dứt điểm các khoản nợ cho ngân sách nhà nước.