Các dân tộc, tôn giáo gắn bó máu thịt

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (ngoài cùng bên phải) gặp gỡ đại diện các dân tộc, tôn giáo tại TPHCM ngày 19/4. Ảnh: LT
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải (ngoài cùng bên phải) gặp gỡ đại diện các dân tộc, tôn giáo tại TPHCM ngày 19/4. Ảnh: LT
TP - Đồng bào các dân tộc, tôn giáo gắn bó máu thịt, không thể tách rời, giúp nhau tiến bộ, làm kinh tế giỏi và cùng nhau bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, lãnh đạo TPHCM nhận định ngày 19/4.

Ngày 19/4, gặp gỡ lãnh đạo TPHCM, hơn 250 chức sắc là đại diện các dân tộc, tôn giáo cho biết đã vận động cộng đồng, tín đồ…luôn là công dân tốt, “sống tốt đời, đẹp đạo”, xứng đáng với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước. Theo linh mục Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng giáo phận TPHCM, trong suốt hành trình 40 năm qua, những hoạt động và đóng góp của giới công giáo luôn được chính quyền TPHCM, từ cấp cơ sở đến cấp thành phố tạo điều kiện thuận lợi. Linh mục Hồ Văn Xuân dẫn chứng: 40 năm qua, nhiều nhà thờ, dòng tu ở TPHCM được xây mới, số tu sỹ và giáo dân cũng tăng lên rất nhiều so với năm 1975. Nếu không có chủ trương thoáng, sự giải quyết linh động của lãnh đạo thành phố thì rất khó để có được những con số như hôm nay.

“Gần đây, nhiều vị chức sắc các tôn giáo vận động mỗi năm hàng trăm tỷ đồng để cùng chính quyền chăm lo đời sống cho đồng bào nghèo, khó khăn, cứu trợ thiên tai, bão lũ, xây nhà tình thương, tình nghĩa, xóa đói giảm nghèo...”. 

                Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải

Hoà thượng Danh Lung đại diện dân tộc, chư tăng Khmer tại TPHCM nhớ lại: Ngôi chùa Candaranst trước kia từng bị bao vây bởi hàng rào kẽm gai thì nay trở thành địa chỉ đáng tin cậy trong học tập, giao lưu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc với bạn bè trong và ngoài nước, là nơi cưu mang các em học sinh, sinh viên ở các tỉnh thành gặp khó khăn về nơi ở khi đến TPHCM học tập đồng thời là mái ấm cho những trẻ em bất hạnh. “Đối với đồng bào và chư tăng Khmer, trong thành phố hiện nay có hai chùa đang sinh hoạt văn hoá, lễ hội. Con em và chư tăng Khmer tham gia học tập thế học, phật học, có những vị đi du học nước ngoài” - hòa thượng Danh Lung nói.

Theo TS Phú Văn Hẳn, đại diện dân tộc Chăm, ở TPHCM, người Chăm thật sự ấm cúng vì được tôn trọng, được chia sẻ, giúp đỡ, chăm lo. Bất cứ việc to, việc nhỏ liên quan đến dân tộc Chăm đều được lãnh đạo đảng, chính quyền và các ban ngành đoàn thể ở TPHCM lắng nghe thấu đáo, tin tưởng và giao việc, cùng tham gia, nói cho người Chăm nghe những gì bà con Chăm chưa biết, tận tình giải thích đến nơi đến chốn những gì bà con Chăm chưa hiểu, cầm tay, chỉ việc những gì người Chăm chưa làm được.

“TPHCM đã làm tốt nhất những gì có thể làm được cho người Chăm, luôn đồng hành chia sẻ với người Chăm trong xoá đói, giảm nghèo, luôn có những ưu ái, quan tâm trong các chương trình học bổng cho con em người Chăm, luôn tạo điều kiện cho bà con dân tộc Chăm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo. Nhiều bà con người Chăm đã vươn lên nhờ trợ giúp công ăn việc làm phù hợp, nhiều con em người Chăm nghèo có cơ hội học hành nhờ học bổng và chính sách miễn giảm học phí của nhà nước. Đời sống kinh tế - văn hóa xã hội của người Chăm ở Sài Gòn tiến bộ rõ ràng”, ông Hẳn nói.

Mục sư Nguyễn Thế Hiển, trưởng ban đại diện Hội Thánh tin lành miền Nam cho biết Giáo hội Tin lành vừa mở chi hội ở hai huyện Nhà Bè, Hóc Môn.

Tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải khẳng định, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, các vị giáo chức, giáo phẩm, nhà tu hành đã đóng góp rất lớn trong trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; xây dựng phát triển và đất nước. Đảng, Nhà nước và TPHCM luôn thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết đồng bào lương giáo, tôn giáo. TPHCM tạo mọi điều kiện để đồng bào các dân tộc, tôn giáo sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng.

MỚI - NÓNG