Các cụ già đi xin cá

Bà Trần Thị Chướng may mắn được ngư dân cho hàng chục ký cá từ chiếc thuyền vừa trở về.
Bà Trần Thị Chướng may mắn được ngư dân cho hàng chục ký cá từ chiếc thuyền vừa trở về.
TP - Tờ mờ sáng, khi những chiếc thuyền từ khơi xa trở về cũng là lúc một số cụ già bắt đầu chèo ghe hoặc cuốc bộ hàng chục cây số đến các xưởng cá để xin cá về đổi gạo.

Những chiếc thuyền lớn cập cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi). Xa xa có vài chiếc ghe chèo lượn trên mặt nước. Đó là ghe của những người già “hành nghề” xin cá biển.

Một chiếc thuyền chèo vào, bà cụ Trần Thị Chướng, 74 tuổi, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi vịn tay chèo vào thân thuyền, gọi vọng: “Cho bà xin ít cá về đổi gạo với”. Bà Chướng kể, trước kia bà hay đi biển nhưng về già không lặn lội nghề tôm cá được. Nay bà chèo thuyền đi từng xưởng cá, hễ thuyền cập bến là ghe bà có mặt. Đến trưa là bà lại chèo về Tịnh Kỳ. Chiếc thuyền gỗ mục đã theo bà cả chục năm, sóng gió bà chẳng sợ. Mỗi ngày, bà kiếm chừng 20-30 nghìn đồng đổi cá lấy gạo, lấy quần áo mặc. “Ở đây có mấy ông làm rớ (lưới) cá già rồi cũng chèo thuyền như tôi đi xin cá mỗi ngày, có người già quá, ốm đau nhiều nghỉ chèo rồi”, bà kể.

Các cụ già đi xin cá ảnh 1

Bà Trương Thị Dương (84 tuổi) vẫn cuốc bộ xin cá hằng ngày. Ảnh: Nguyễn Trang

Một số cụ già neo đơn trong xã cũng lặn lội đi bộ đến xưởng để kiếm cơm. Tại một xưởng cá, ba cụ già, mỗi người mang một chiếc bao, đứng xếp hàng chờ đến khi cá bốc lên xe tải, còn lại cá nhỏ thì xin người ta mang về. Bà Bùi Thị Khương (72 tuổi, thôn Định Tân, xã Bình Châu) đứng đợi cả sáng. “Tôi sống một mình, hồi còn trẻ thì đi làm thuê cho người ta, giờ già rồi. Nhà nước cho tiền neo đơn được 180 nghìn mỗi tháng. Mỗi sáng, tôi đi bộ cả ra cảng, đi quanh các xưởng cá xin cá về ăn qua ngày”, bà kể.

Bà Trương Thị Dương (84 tuổi, thôn An Hải), chồng mất, con cái đi biển hết, mình bà ở nhà, vườn rau làm không được. Mấy năm nay, bà đi bộ ra cảng, cứ đi được quãng lại nhờ quá giang xe. Đến trưa, bà ghé chợ ăn miếng cơm, đợi đến chiều, có thuyền về, bà lại khăn gói đi xin. Bà Nguyễn Thị Đầy (thôn Phú Quý) không chồng, sống thui thủi một mình, lúc trẻ làm ruộng, giờ 84 tuổi vẫn phải xin cá sống qua ngày.

Trên tay những người xin cá có khi có đủ loại cá, nhưng có lúc lại chẳng có con nào. Họ cứ đứng đó, đến khi được vài người trên bến dưới thuyền cho ít cá, nhưng có khi đợi cả sáng chẳng có ai cho lại đi bộ về. Ngư dân Võ Bảy (xã Bình Châu) nói: “Mỗi ngày có nhiều cụ già đến cảng xin cá về bán mua gạo, mua quần áo mặc, hoặc ăn qua ngày”.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.