Học giỏi để vượt đói nghèo, lạc hậu

Ngọc Anh (trái) và Thùy Linh cùng ôn bài
Ngọc Anh (trái) và Thùy Linh cùng ôn bài
TP - Ở những buôn làng vùng sâu Tây Nguyên, việc phấn đấu vào đại học đối với con em những gia đình nghèo khó tới nay vẫn là thử thách gian nan. Vượt khó được như hai nữ sinh Đinh Thị Thùy Linh và Đàm Thị Ngọc Anh (cùng lớp 12A2 trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) quả là gương sáng.

Nhiều năm liền Đinh Thị Thùy Linh, nhà ở xã Ea Ô, huyện Ea Kar luôn là học sinh giỏi, đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi. Gia đình nghèo khó, mẹ quanh năm bám rẫy, bố cạo mủ cao su thuê, Linh luôn lấy việc học làm đầu.

Linh giành giải nhì môn văn cấp tỉnh năm học lớp 9, huy chương bạc Địa lý tại kỳ thi Olympic các tỉnh phía Nam năm lớp 11, giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn địa năm lớp 12. Với điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia Văn 8, Địa 9,5, Sử 9,25, nếu cộng cả 3,5 điểm ưu tiên khu vực và người dân tộc thiểu số, thì Linh là thí sinh tốt nghiệp cấp phổ thông trung học cao điểm nhất xã Ea Ô từ trước đến nay.

“Phụ nữ dân tộc Tày nơi em ở thường lấy chồng sớm, sinh nhiều con, trẻ em ít được đến trường nên cuộc sống đã nghèo lại càng lạc hậu. Em phải học thành đạt trở về để thay đổi suy nghĩ đó”.  

         Đinh Thị Thùy Linh

Không chỉ học giỏi suốt 12 năm liền, Linh còn là “cô giáo” của lũ trẻ trong xã. Từ năm lớp 10, Linh đã dạy học miễn phí cho các em nhỏ, dịp hè tối nào cũng có cả chục trẻ đến nhà để “cô giáo Linh” dạy. “Phụ nữ dân tộc Tày nơi em ở thường lấy chồng sớm, sinh nhiều con, trẻ em ít được đến trường nên cuộc sống đã nghèo lại càng lạc hậu. Em phải học thành đạt trở về để thay đổi suy nghĩ đó”, Thùy Linh tâm sự. Linh đã nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. “Vào đại học, em sẽ làm gia sư hoặc phụ việc kiếm tiền, cố gắng giành học bổng trang trải chi phí giúp bố mẹ”, Linh cho biết.

Nữ sinh mồ côi là thủ khoa

Khi biết Ngọc Anh đạt điểm thi tốt nghiệp cao nhất trường (Văn 8, Sử 9,5, Địa 9,5, cộng cả điểm ưu tiên khu vực và người DTTS thành 30,5 điểm), nhiều bà con, bạn bè ở buôn Dur, xã Dukmal, huyện Krông Ana vui mừng, tối nào cũng sang thăm.

Cách đây 6 năm, mẹ Ngọc Anh qua đời vì bệnh ung thư dạ dày sau khi gia sản khánh kiệt vì chạy chữa. “Năm mẹ mất, em đang học lớp 7, em út mới 6 tuổi. Bố xoay xở đủ cách để lo cho cả 4 đứa con nhỏ được tiếp tục đến trường” - Ngọc Anh nghẹn ngào kể. Cô nữ sinh dân tộc Nùng hiểu rằng phải học thật giỏi mới mong có một tương lai tươi sáng hơn. Suốt 12 năm học em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm lớp 11, em giành Huy chương đồng môn Lịch sử tại kỳ thi Olympic các tỉnh phía Nam, giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh.

Ngọc Anh chưa từng được đi học thêm, chỉ tự học là chính. Em đặt mục tiêu cho từng môn học, điểm số phải đạt được trong mỗi kỳ kiểm tra, đặc biệt dành nhiều thời gian hơn để ôn tập, giải các câu hỏi nâng cao. Mơ ước trở thành nữ cảnh sát, Ngọc Anh nộp hồ sơ vào Học viện Chính trị Công an Nhân dân vì không muốn bố phải vất vả lo học phí trong thời gian em học xa nhà. Ông Đàm Văn Đồ, bố Ngọc Anh cho biết: “Vợ chồng tôi vào đây lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, cuộc sống khốn khó trăm bề. Chúng tôi luôn mong con chăm chỉ học hành, biết tin con thi đạt điểm cao, tôi vui lắm, chỉ tiếc rằng mẹ nó không còn để thấy thành quả của con”.

“Ngọc Anh và Thùy Linh đều là tấm gương hiếu học. Suốt 3 năm học THPT, hai em luôn có mặt trong đội tuyển Olympic, học sinh giỏi của trường và đạt được thành tích cao trong các kỳ thi. Kỳ thi THPT Quốc gia vừa rồi, cả hai em đạt điểm số cao nhất trường”, cô Trương Thị Mai, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A2 tự hào nói về trò cưng của mình.

MỚI - NÓNG