Tôm còn nhỏ, nhưng chủ đìa đã phải bán. Ảnh: Đình Quân. |
Có hơn 40 ha đìa ở khu vực Đồng Bò (xã Phước Đồng, Nha Trang), gia đình chị Linh thả tôm thẻ chân trắng từ đầu tháng 4-2010. Nếu suôn sẻ, khoảng giữa tháng 7 tôm sẽ được thu hoạch. Nhưng tình trạng cúp điện liên tục khiến chị đứng trước nguy cơ sạt nghiệp.
Theo lịch, sau ngày có điện là ngày bị cắt điện (cắt cách nhật) từ 6 giờ đến 22 giờ. Tuy nhiên, thường phải sau 23 giờ, các đìa tôm mới có điện. Không có điện chạy guồng sục nước cung cấp ô xy nên tôm cứ đua nhau nổi đầu trên mặt nước rồi rải rác chết. Chiếc máy phát điện trị giá gần tỷ đồng không đủ công suất cấp điện chạy hết số guồng sục khí cho các đìa của chị Linh. Chưa đầy một tháng, chị đã phải cho thu hoạch non 7 đìa tôm, thiệt hại gần 500 triệu đồng.
Cũng như chị Linh, anh Trần Trung Hiệp cho biết, chiếc máy nổ của anh không cung cấp đủ điện cho 11 ha đìa, nên anh phải bán tôm non, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Hiện nay, giá thu mua tôm thẻ chân trắng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (70 con/kg) khoảng 69.000 đồng – 70.000 đồng/kg, nhưng tôm thu hoạch non 150 con/kg, chỉ có thể đưa bán ở chợ, giá khoảng 40.000 đồng - 42.000 đồng/kg...
Sáng 7-6, hơn một chục chủ hộ nuôi tôm ở Đồng Bò đến Điện lực Vĩnh Nguyên (Cty cổ phần Điện lực Khánh Hòa): đề nghị ngành điện giúp đỡ . Họ cho biết, trong đìa có nhiều loại tảo, ban ngày tảo quang hợp nhưng ban đêm chúng lại hô hấp, giành phần ô xy của tôm và thải ra khí cacbonic. Bởi vậy, đìa tôm rất cần có điện vào ban đêm để chạy guồng sục nước, cung cấp ô xy cho tôm.
Các chủ đìa đề nghị ngành điện cấp điện cho họ vào tất cả các đêm, đổi lại họ chấp nhận bị cắt toàn bộ điện ban ngày. Tuy nhiên ông Lê Minh Triển, Giám đốc điện lực Vĩnh Nguyên trả lời, cùng chung trạm điện với các đìa tôm còn có nhiều hộ sử dụng điện khác. Việc đóng, cắt điện theo đề nghị của các chủ đìa tôm sẽ làm lượng tiêu thụ điện tăng quá định mức khống chế của Điện lực Vĩnh Nguyên, nên ông không thể làm như vậy.
Các chủ đìa năn nỉ ngành điện linh động, cấp điện sớm hơn 2 tiếng mỗi ngày, tức là vào 20 giờ thay vì 22 giờ. So với định mức khống chế 308.000 kwh/ngày của Điện lực Vĩnh Nguyên, tổng lượng điện cần thiết cho cả vùng tôm chỉ chưa tới 2.000 kwh/ngày, tỉ trọng rất nhỏ. Mỗi giờ có điện sớm hơn đều rất quý giá trong việc cứu sống đàn tôm, cứu sống cơ nghiệp của các chủ đìa tôm.
Trong khi các chủ đìa ở Đồng Bò chờ đợi khẩn cầu của họ được ngành điện chấp nhận, đêm 7-6 lại có thêm một chủ đìa gặp sự số. Ông Nguyễn Xuân Sỹ có 4 đìa, tổng diện tích hơn 2ha, cả tháng nay vẫn cầm cự chạy guồng cấp dưỡng khí cho tôm bằng máy nổ. Nhưng tối 7-6, chiếc máy nổ của ông bị cháy. Để cứu đàn tôm, ông phải thả ô xy bột (oxy-fast) xuống đìa. Đàn tôm tạm sống sót khi ông đã phải dùng lượng ô xy bột trị giá gần 5 triệu đồng, chỉ trong một đêm. Chắc cũng phải bán tôm non thôi! - Ông Sỹ nói.