Các bệnh viện không được thanh toán hơn 1.000 tỷ đồng vì quy định bất cập

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chi phí phát sinh trong hoạt động khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế của các bệnh viện không được thanh toán do vượt tổng mức thanh toán giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021 là 1.088 tỷ đồng và tiếp tục tăng trong năm 2022. Thực tế trên đang đẩy các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh vào tình thế khó khăn.

Ngày 21/10, PGS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM ký văn bản gửi Bộ Y tế về việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các bệnh viện trong thanh, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế.

Theo Sở Y tế, từ năm 2019 cơ quan Bảo hiểm xã hội TPHCM (BHXH TP) thực hiện thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn theo phương thức tổng mức thanh toán, được quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ CP (ngày 17/10/2018) của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.

Các bệnh viện không được thanh toán hơn 1.000 tỷ đồng vì quy định bất cập ảnh 1

Các bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn trước quy định thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo Nghị định 146

Tuy nhiên, từ khi áp dụng theo phương thức thanh toán mới, các bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh đều gặp khó khăn do tổng mức thanh toán khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế cơ sở đã sử dụng cho bệnh nhân.

Hệ quả là các chi phí phát sinh trong hoạt động khám chữa bệnh Bảo hiểm Y tế của các bệnh viện không được quỹ Bảo hiểm Y tế thanh toán do vượt tổng mức thanh toán giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2021 là 1.088 tỷ đồng (trong đó, đơn vị trực thuộc Sở Y tế là 315 tỷ đồng, bệnh viện trung ương, bộ, ngành, cơ sở y tế tư nhân là 773 tỷ đồng). Riêng 8 tháng đầu năm 2022, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố đã vượt tổng mức thanh toán hơn 400 tỷ đồng.

Theo Sở Y tế từ thực tế trên đã khiến một số bệnh viện không còn nguồn chi thu nhập tăng thêm, nhân viên y tế xin nghỉ việc ngày càng gia tăng. Điều này cho thấy việc thanh, quyết toán khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế cho các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố theo phương thức tổng mức thanh toán (dựa vào chi phí điều trị bình quân theo mã bệnh của năm trước) là không phù hợp.

Các bệnh viện không được thanh toán hơn 1.000 tỷ đồng vì quy định bất cập ảnh 2

Trong đợt bùng phát dịch vừa qua, nhân viên y tế làm việc vất vả nhưng không nhận được thu nhập tăng thêm tương xứng với công sức

Sở Y tế TPHCM đã đề nghị Bộ Y tế xem xét ưu tiên thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các bệnh viện vượt tổng mức thanh toán trong năm 2021 và năm 2022 để giúp các đơn vị cân đối thu chi, giải quyết khó khăn trong giai đoạn dịch bùng phát. Xem xét thanh toán các chi phí vượt tổng mức thanh toán cho các bệnh viện giai đoạn từ năm 2019 – 2020 đối với các chi phí thực tế đã phát sinh, sử dụng cho bệnh nhân theo đúng nguyên tắc thanh toán của phương thức thanh toán giá dịch vụ.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề nghị cần sớm ban hành hướng dẫn thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đa phương thức gồm: khoản định suất đối với khám, điều trị ngoại trú; thanh toán theo nhóm bệnh (DRG) đối với các bệnh phổ biến; thanh toán thực chi đối với các bệnh nặng, phức tạp. Sở cũng kiến nghị Bộ Y tế tham mưu Chính phủ sửa đổi Nghị định số 146/2018/NĐ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở y tế.

Tại cuộc họp tổng kết hoạt động khám chữa bệnh 9 tháng đầu năm 2022 của Sở Y tế TPHCM, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM cho biết: “Chúng tôi đang tạm tính tổng mức thanh toán của 8 tháng đầu năm 2022, dự kiến các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TPHCM đang vượt tổng mức hơn 400 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, các bệnh viện, cơ sở y tế sẽ phải cân lại tổng mức cả năm. Nếu Chính phủ chưa sửa Nghị định 146 thì các cơ sở y tế vẫn phải thanh toán theo tổng mức, điều đó đồng nghĩa phần vượt tổng mức sẽ không được thanh toán”.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.