Ca sĩ Trọng Tấn: Cả 'nhà' âm nhạc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hơn 10 năm trước, Trọng Tấn nói rằng anh không ép các con đi theo con đường âm nhạc, mặc dù rất muốn. Tháng trước, hai con của anh đồng thời đoạt ba giải Vàng ở Liên hoan nghệ thuật châu Á Thái Bình Dương (APAF) tại Malaysia: con trai Tấn Đạt giải vàng đơn ca nam; con gái Thảo Nguyên hai giải vàng độc tấu và hòa tấu đàn tranh.

Câu chuyện cả nhà cùng một nghề

Tôi hỏi, khi cả nhà cùng làm âm nhạc, có phải: từ đó sáng trưa chiều tối/ họ toàn nói chuyện xôn phe (solfège) hay không, Trọng Tấn cười bảo: cũng gần như thế!

Tôi từng có cơ hội gặp gia đình đặc biệt này khi hai “F1 âm nhạc” của Trọng Tấn còn rất nhỏ, khoảng năm sáu tuổi. Lúc đó, phòng khách nhỏ hẹp nhà anh trong một cái ngõ rất sâu ở phố Kim Giang đã đặt một cái piano “cho trẻ con tập”.

Ngoài giờ học, hai con của Trọng Tấn đều được mẹ, là một giáo viên tiếng Anh đôn đốc tập đàn. “Chúng tôi không gò ép các con đi theo con đường âm nhạc, trừ khi chính các con thích. Nhưng học chơi một vài nhạc cụ là môn bắt buộc. Âm nhạc sẽ làm cho cuộc sống của các con phong phú và đẹp đẽ hơn”, Trọng Tấn giải thích.

Câu chuyện “không gò ép” sau đó còn được Trọng Tấn nhắc lại nhiều lần: “Nghề nào ép thì được, chứ âm nhạc thì không. Bởi vì ngoài năng khiếu (là thứ không thể cố gắng được) thì sự kiên trì và khổ luyện sẽ đồng hành với một nghệ sĩ đến hết đời. Trừ phi chính người đó muốn, bởi chẳng ai có thể mãi ép một ai đó ngày ngày tập đàn từ 4-8 tiếng”.

Trưởng thành trong môi trường âm nhạc, hơn ai hết, Trọng Tấn hiểu được khái niệm khổ luyện thực sự trong âm nhạc là như thế nào. Một nghệ sĩ chơi piano, để thành tài, bắt buộc phải tập luyện từ nhỏ. Ngoài việc để làm quen với âm nhạc, nó còn liên quan đến việc phát triển các khớp xương tay.

Khi một người trưởng thành rồi mới tập piano, sẽ rất khó để chạy những “ngón đàn khủng khiếp”. Vấn đề này, tôi từng nghe nghệ sĩ Phó An My xác thực, chị nói: gần như không có tuổi thơ. Bất cứ lúc nào bạn bè chơi đùa ở ngoài thì mình cũng phải ngồi tập đàn! Từ bốn năm tuổi cho đến bây giờ, không gián đoạn.

Chính thời gian học piano đã xây đắp cho các con Trọng Tấn một nền tảng xướng âm tốt. Sau đó một vài năm, con trai anh chuyển qua học trống jazz, còn con gái bắt đầu bén duyên với đàn tranh. Sau khi cả hai anh em cùng thi đỗ Nhạc viện, mỗi người lại “cân” thêm một chuyên ngành khác: Tấn Đạt học trống jazz và thanh nhạc, Thảo Nguyên học đàn tranh và đàn bầu.

Ca sĩ Trọng Tấn: Cả 'nhà' âm nhạc ảnh 1

Ca sĩ Trọng Tấn và hai con trong ngày nhận ba giải vàng tại Liên hoan nghệ thuật châu Á Thái Bình Dương (APAF)

Cuộc sống của gia đình “ông hoàng nhạc đỏ” từ đó gần như chỉ loanh quanh hai điểm cầu: nhà và Nhạc viện. Những câu chuyện trong bữa ăn, lúc ngồi tán gẫu của họ hầu hết là chuyện nhạc, trò giải trí của họ cũng là khi thì bố đệm cho anh hát, lúc lại đệm cho em tập đàn.

Tôi hỏi Trọng Tấn lý do các con anh phải học nhiều chuyên ngành như vậy, ông bố sinh năm 1976 cười tủm tỉm: chưa nhiều đâu, Thảo Nguyên đang đặt mục tiêu học chơi thêm một vài nhạc cụ khác, chủ yếu là bộ dây, còn Tấn Đạt cũng đang theo khoa âm nhạc ứng dụng của Đại học Thăng Long để có hình dung về một nghệ sĩ “gì cũng làm được”: từ hát, nhảy, sáng tác, hòa âm phối khí đến sản xuất âm nhạc v.v...

Trọng Tấn cho biết, anh định hướng cho con đi theo con đường nghệ sĩ độc lập, để tương lai con không bị phụ thuộc vào các công ty giải trí. Hơn nữa, càng biết nhiều thì khả năng lựa chọn sẽ càng lớn.

Không có đường tắt, kể cả là “con nhà nòi”

Trước câu hỏi: có một người bố thành công và nổi tiếng đi trước dò đường, có phải các con anh sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức mò mẫm hay không, Trọng Tấn dường như không cần đắn đo để trả lời: thứ mà tôi cho được các bạn ấy chỉ là kinh nghiệm và kiến thức, quan trọng nhất vẫn là sự cố gắng và kiên trì của các bạn. Học vấn không có con đường tắt, mọi người đều phải tích lũy từng chút một, ngày qua ngày, năm qua năm!

Ca sĩ Trọng Tấn: Cả 'nhà' âm nhạc ảnh 2

Gia đình ca sĩ Trọng Tấn

Như để khẳng định thêm quan điểm của mình, Trọng Tấn bổ sung: “nghệ thuật khó lắm, đây là câu chuyện liên quan nhiều đến cảm hứng rồi lại còn năng khiếu nữa. Mình chỉ có thể đứng ở đằng sau để ủn thêm vào chứ không thể nào bắt hay là dắt tay con được nữa. Mình có thể gọt được về mặt kỹ thuật nhưng không thể gọt ra hình hài của một nghệ sĩ”.

Về lựa chọn của con gái thứ hai, không chỉ tôi mà hầu hết những người quen biết gia đình Trọng Tấn đều có chung thắc mắc, rằng vì sao anh không hướng cho con học một nhạc cụ phổ biến, hoặc thời thượng hơn, piano chẳng hạn, hay guitar, violon, cello..., bởi trên thực tế, hầu hết các nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc đều ít sân chơi, không nhiều cơ hội biểu diễn, đồng nghĩa với thu nhập cũng bị hạn chế, nếu không muốn nói là khó khăn.

Anh bảo: bởi vì con thích nên chúng tôi ủng hộ. Tôi không đặt ra những mục đích quá cao xa, ngay với bản thân cũng vậy. Tôi nói với con, nếu đã chọn thì phải kiên trì, làm nghề thật tử tế, thật hết lòng, đừng vội nghĩ đến thành công hay tiền bạc. Bởi vì thành công hay tiền bạc, hay thậm chí cả tình yêu, ta càng cố công đuổi bắt, nó càng chạy xa. Cho nên, việc duy nhất chúng ta có thể cố gắng được là làm tốt việc của mình thôi!

Trong chuyện kiếm sống, hóa ra người cha đi lên từ cảnh nghèo (đầu tiên Trọng Tấn chọn thi vào Nhạc viện ngoài chút năng khiếu thì chỉ vì trường này miễn học phí) có cái nhìn rất thoáng: làm gì đến nỗi không sống được, có thể là sẽ không sống được một cách hoành tráng thôi. Nhưng tôi nghĩ rằng để lo một cuộc sống bình thường, giản dị như những công thức khác thì trong tầm tay. Cho dù không diễn nhiều thì cũng có thể tổ chức các lớp dạy, các khóa học cơ mà, ngày nay người có nhu cầu học nhạc cụ rất cao, quan trọng là có muốn làm hay không thôi!

Ca sĩ Trọng Tấn: Cả 'nhà' âm nhạc ảnh 3

Trọng Tấn và con gái Thảo Nguyên

Khi phỏng vấn các gia đình nổi tiếng, tôi luôn có một thắc mắc về cách các “ông bố vĩ đại” nhìn nhận thế nào về xuất phát điểm mình tạo ra cho con?

Trọng Tấn ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Tôi vẫn nói với các con là con đường thì các con phải tự đi thôi, phải tự bước và tự khẳng định mình. Cho dù con có điều kiện tốt hơn những bạn khác là có được nền tảng từ gia đình nhưng đồng thời đây cũng lại là một cản trở, một áp lực. Bởi vì con đi đâu, làm gì, người ta cũng dễ dàng lấy cái tiêu chí “con của Trọng Tấn” ra để so sánh. Con làm tốt là đương nhiên, con làm chưa tốt họ bảo dao sắc không gọt được chuôi.

Thế cho nên tôi lúc nào cũng nhắc các con nỗ lực để cho mọi người thấy mình là một đóa hoa khác với bố, mình sẽ sẽ nở theo cách khác, mình có hương thơm khác. Các con sẽ phải tự làm tất cả những điều ấy. Và đến lúc đó thì bố rất hạnh phúc, khi mà con đứng bên cạnh bố, là một nghệ sĩ độc lập, có nét đẹp riêng để người ta nhìn vào con là chính con chứ không phải họ nhìn con chỉ vì hình ảnh của bố mẹ”.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.