Đời một người ca sĩ, khó nhất là đi tìm khán giả. Khó hơn nữa là khán giả tự đi tìm mình, lắng nghe mình, yêu quý và trung thành với mình. Không ít người gọi là làm nghệ thuật, dùng đủ chiêu nọ trò kia cũng chỉ nhằm mục đích câu kéo khán giả về phía mình. Riêng Trọng Tấn chẳng có chiêu trò gì, và chẳng buồn nghĩ đến chiêu trò để làm gì. “Chiêu trò nếu có, với tôi, là giọng hát. Chỉ cần có một giọng hát tốt, kỹ năng tốt, người hát có thể làm “nhào lộn” trong khoảng không đó của mình như một nghệ sĩ xiếc. Đó là siêu chiêu trò đấy”.
Trọng Tấn ngâm ngợi nhìn phía vườn cây, nhỏ xinh trong khuôn viên ngôi nhà của mình, nói với khách, mà như thể nói với chính mình. “Người ta đánh bóng tên tuổi bằng nhiều thứ lắm: áo quần, thời trang, tuyên ngôn hay đời tư. Chỉ riêng giọng hát, theo tôi, thì không cách nào đánh bóng được. Nó là một giá trị tự thân, không lớn lên cũng không nhỏ đi theo ý muốn chủ quan của bất kỳ ai. Nếu muốn so sánh ca sĩ với nhau, hãy lấy chuẩn là giọng hát. Vì không ai sơn sửa hay phẫu thuật thẩm mỹ nó được”.
Trọng Tấn có cách diễn đạt nhiều ẩn ý, nhẹ nhàng khiêm tốn, nhưng ngầm trong đó là một niềm kiêu hãnh lớn. Kiêu hãnh, tại sao không, khi mà Tấn đang có một tài sản quý không ai có thể phủ nhận, đó là giọng hát, đó là khán giả. Một giọng nam đẹp hiếm hoi nhất nhì làng nhạc Việt.
Trọng Tấn không phải cái tên giải trí phủ ngập mặt báo với những thông tin tò mò câu khách, nhưng tên của anh lại phủ ngập trái tim hàng triệu người yêu âm nhạc, đặc biệt là những bài hát về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi đã đi cùng năm tháng và đóng dấu không thể nào quên trong tâm hồn người nghe nhiều thế hệ.
20 năm theo đuổi dòng nhạc đỏ, từ một cậu bé con nhà nghèo của vùng quê Thanh Hóa anh hùng, Trọng Tấn đã từng bước chinh phục khán giả để ngồi trên chiếc ngai “ông hoàng nhạc đỏ” do khán giả yêu mến trao tặng, anh có quyền tự hào và kiêu hãnh về thành quả đó của mình. Giọng hát, chiếc ngai quyền lực của người ca sĩ, là giá trị thực nhất định vị vai trò của họ, tầm ảnh hưởng của họ trong công chúng.
Có một cảm nhận rất khác biệt khi nghe Trọng Tấn trình bày những ca khúc nhạc đỏ. Ai cũng biết đó là những ca khúc trữ tình, cách mạng. Cảm hứng của nó là về những vấn đề lớn, những câu chuyện lớn liên quan đến số phận, vận mệnh của dân tộc, của nhân dân. Kể cả những bài hát về tình yêu lứa đôi đi nữa thì vẫn là thứ tình cảm riêng tư trong tình cảm lớn là tình yêu quê hương đất nước. Và phần lớn nó là những ca khúc có tuổi đời cao hơn tuổi nghề của Trọng Tấn. Những ca khúc mà thế hệ cha mẹ Tấn, thậm chí ông bà của Tấn đã nghe, đã hát, đã thuộc nằm lòng.
Nhưng, khoảng cách thế hệ đó không là trở ngại đối với Trọng Tấn. Khi anh hát, những gì lan tỏa trong cảm xúc của người nghe đều thỏa mãn. Như thể Tấn đã sống nhiều hơn tuổi của mình, đã từng sinh tử với bom đạn, chiến tranh, mất mát như thế hệ ông cha đã gánh.
Tấn cắt nghĩa về điều này: “Tôi thuộc thế hệ sinh sau chiến tranh, là lứa hưởng những “mùa xuân đầu tiên” của dân tộc. Tôi không sống trong cảnh nghe tiếng máy bay thì chạy xuống hầm tránh bom đạn. Nhưng ký ức của tôi vẫn đầy mùi bom đạn. Tuổi thơ tôi đi bắt cua bắt cá ngoài cánh đồng, trong những hố bom trũng sâu đầy nước như một nhân chứng kể về những ngày tháng đau thương mà miền quê Thanh Hóa của tôi vốn đã từng là một chiến trường ác liệt. Trong gia đình tôi, bao nhiêu vật dụng kể chuyện chiến tranh, như chiếc bát sắt ăn cơm của bộ đội, chiếc bi đông đựng nước, chiếc võng dù, hay mảnh xác máy bay rơi, chiếc hòm đạn... Bố tôi vốn là một người lính. Những chuyện mỗi tối bố kể bên thềm nhà cho chúng tôi nghe toàn gắn với chiến tranh. Tưởng như ông không có quá khứ gì khác ngoài quá khứ chiến tranh hào hùng mà cũng bi thương đó. Những bài hát cha mẹ tôi hát, cũng đều nhắc về chiến tranh, là những bài hát sau này tôi tiếp tục hát. Rồi khi lớn hơn một chút, thời bao cấp nhọc nhằn cái gì cũng phải đổi bằng tem phiếu tôi cũng nếm trải ít nhiều. Cuộc sống khó khăn, đi học thiếu sách vở, đêm mùa đông thiếu chăn rét tôi cũng đã từng. Những bữa ăn độn khoai độn sắn tôi đã ăn. Và vì nhà nghèo mà tôi đi học nhạc, nếu không có thể tôi đã chọn một ngành nghề khác và có thể nay đã trở thành một Trọng Tấn khác. Kể ra để nói với bạn rằng, tôi không xa lạ với những ký ức của cha mẹ ông bà. Quá khứ nghèo khổ không ai muốn nhưng nó lại quý giá với tôi vô chừng. Vì nó cho tôi một sự thẩm thấu đời sống, sâu sắc hơn cả sách vở. Và sau này, tôi chọn hát những bài hát cách mạng, thì cái quá khứ ấy thực ra nó đã nuôi dưỡng trong tâm hồn tôi từ lâu một sự trắc ẩn, một tâm tình của người trong cuộc, chứ không phải người thế hệ sau nhìn về thế hệ trước. Đó là một cái lãi lớn mà trước đó không ai có thể tính được”.
Trọng Tấn bắt đầu sự nghiệp ở thời điểm chưa ồ ạt công nghệ truyền thông hỗ trợ. Nói là đi tìm kiếm danh tiếng cũng chưa hẳn đúng. Tấn đơn giản chỉ là mong được hát để thỏa mãn niềm say mê của mình. Anh chọn công việc giảng dạy âm nhạc để kiếm sống. Vừa đi dạy vừa đi hát, cuộc sống đối với anh như thế là đủ để hài lòng. Nhưng cuộc đời đã tặng cho anh những quà tặng mà chính anh khi bắt đầu sự nghiệp ca hát cũng không bao giờ dám nghĩ đến.
“Tôi thường dặn lòng một khi đã làm nghề phải rất chuyên tâm. Đừng ăn xổi ở thì, đừng coi thường khán giả. Dòng nhạc nào cũng có khán giả của nó. Khi mình hát như không hề có khán giả trước mặt, nghĩa là mình cháy cạn như ngọn nến cháy tận chân đế, thì khán giả sẽ tới, sẽ yêu thương, sẽ bù đắp. Hai mươi năm qua tôi được quá nhiều từ khán giả. Tôi đã cống hiến vì khán giả và tôi được khán giả cho lại mình tình yêu thương từ trái tim họ. “Món nợ” ấy nhắc rằng tôi phải lao động sau đây ngày càng miệt mài hơn để không phụ lại tấm lòng của họ”.
Tấn định cư tên tuổi mình với một dòng nhạc (tạm gọi là dòng nhạc) không hot trên thị trường âm nhạc. Và anh đùa, những ca khúc anh hát không hot, nhưng mà lại luôn nóng, nhất là vào những thời điểm lịch sử quan trọng. Anh tự hào, những bài hát về đất nước, quê hương luôn được cùng anh vang lên trên những sân khấu lớn, trong những dịp trang trọng. Hát một bản tình ca về quê hương xứ sở để hay, để neo đậu được vào trái tim người nghe, thì cốt lõi làm sao người ca sĩ phải thể hiện cho được vẻ đẹp tâm hồn Việt. Cái vẻ đẹp ấy từ đâu mà có, nếu nó không tỏa ra từ văn hóa, hiểu biết, tâm hồn, trái tim của người nghệ sĩ.
Để có được điều đó, anh phải học, phải đọc, phải sống một cách chân tình, sâu sắc với cuộc đời. Trọng Tấn đã rời xa công việc giảng dạy mấy năm nay để tập trung cho nghề hát. Nhưng khi nhớ lại những ngày tháng làm thầy giáo ở nhạc viện, anh vẫn thấy rằng những gì anh thường nói với học trò của mình là chính xác. Rằng, tài năng là rất quan trọng để làm nghệ thuật. Nhưng trước khi nói về tài năng, các em hãy học để giàu có về tri thức, hiểu biết về Tiếng Việt, thấu hiểu tâm hồn Việt bằng đọc sách. Bệnh lười đọc đang làm nghèo nàn đời sống tinh thần của thế hệ trẻ.
Trọng Tấn nói, 80% các show diễn của anh là phục vụ khán giả ở các cơ quan, công sở. Anh biết chắc chắn khán giả của mình là ai để mà phục vụ. Anh cũng đo được mức độ quan tâm của khán giả với thứ nhạc mình theo đuổi lớn đến cỡ nào. Năm ngoái, live show “Tình ta biển bạc đồng xanh” cháy vé.
Năm nay Trọng Tấn trở lại với “Bài ca không quên”. Ai đó gợi ý cái tên live show nghe cũ cũ, không ăn khách, Trọng Tấn đáp lại, anh biết khán giả của mình chờ đợi gì, và một cái tên ăn khách không phải là điều anh quan tâm. Anh tập trung vào chất lượng nghệ thuật của chương trình, “câu khách” bằng chất lượng nghệ thuật, và chỉ cần có vậy.
Trọng Tấn chưa vào tuổi 40. Anh sinh năm 1977. Nhưng nhìn những gì anh đang có, hoàn toàn có thể dành tặng anh hai từ viên mãn. Một gia đình hạnh phúc với người vợ từng là bạn học từ thời phổ thông, thấu hiểu chồng, luôn đứng phía sau làm điểm tựa vững chắc cho chồng. Những đứa con ngoan ngoãn. Một chốn đi về đẹp đẽ đáng mơ ước. Ngoài ra, công việc kinh doanh của vợ chồng anh cũng vô cùng thuận lợi.
Ngồi trò chuyện với Tấn ở khoảng sân rộng rãi trong ngôi nhà khang trang mà anh khéo léo thiết kế như một biệt thự mini, tôi đùa, Tấn làm quý ông viên mãn hơi sớm. Tấn nói: “Tôi nghĩ sự viên mãn này nếu có nó sẽ biến thành năng lượng để mình làm được những việc tốt hơn cho khán giả. Giờ là lúc phải nghĩ nhiều hơn đến cống hiến cho xã hội”.
Trọng Tấn trăn trở về một đối tượng khán giả mà anh rất yêu quý, đó là các bạn sinh viên. Các bạn không có nhiều tiền để mua vé xem live show, dù rất yêu âm nhạc. Tấn nhớ ấn tượng những lần biểu diễn ở các trường đại học. Sân khấu như bùng nổ. Anh mong muốn sẽ làm riêng những chương trình cho sinh viên, và đến với khán giả sinh viên thường xuyên hơn.
Mỗi khi nghe Trọng Tấn hát những ca khúc từ lâu đã là mẫu mực trong lòng người về tình yêu quê hương, đất nước, với chất giọng đẹp như tơ lụa, tràn đầy rung cảm, tôi thường nghĩ đến hình ảnh một người giữ lửa. Những người giữ lửa trong mỗi một thế hệ thường không có nhiều. Họ là chiếc cầu nối quá khứ với hiện tại, và cả với tương lai. Họ phục dựng lại các đền đài, giữ gìn các di sản tinh thần của đất nước. Họ truyền cảm hứng cho hàng triệu người khác. Trọng Tấn đích thị là một người như vậy, rõ ràng của hiếm, trong đời sống âm nhạc hiện đại.