Trọng Tấn trải lòng thời bấp bênh con nhà nghèo

Trọng Tấn trên sân khấu In the Spotlight tháng 9/2014. Ảnh: N.M.Hà.
Trọng Tấn trên sân khấu In the Spotlight tháng 9/2014. Ảnh: N.M.Hà.
TP - Nếu các ngôi sao thị trường trưng kim cương, xe sang thì Trọng Tấn khoe ngôi nhà ở quê, khoe những quả trứng gà nhà vừa đẻ… “Ông hoàng nhạc đỏ” chia sẻ về những dự án mới và cuộc sống riêng sau khi rời vị trí giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, trở thành ca sĩ tự do.

MV Khúc hát sông quê vừa ra mắt được đầu tư mạnh về hình ảnh. Đó có phải là hướng đi của Trọng Tấn sắp tới?

Mong muốn là hơn như thế cơ. Tấn chọn bài đấy không khủng khiếp về âm nhạc hay hoành tráng, nhưng có cái gì đấy khiến người ta hoài niệm. Khung cảnh của MV mình thấy cũng hợp vì ngày xưa mình cũng thế, có một tuổi thơ bên bờ sông lặn lội. Bẵng đi nhiều năm học hành, ít về Thanh Hóa nhưng bây giờ mỗi tháng Tấn đều về nhà. Đi miền Trung diễn lại tạt qua. Tấn làm nhà trong quê. Mọi cái chưa thỏa mãn của tuổi thơ thì dồn cho nó.

Cũng là một cách báo hiếu bố mẹ nữa?

Không hẳn. Các cụ thích thì ở ngoài này với mình cũng được nhưng các cụ muốn có chỗ tự do. Nhiều lúc thấy mình làm nhà thỏa mãn cho mình nhưng lại tội các cụ. Trông, chăm mệt phết đấy. Về lúc nào cũng thấy các cụ ở ngoài vườn nhưng thực ra cũng thích, vận động thường xuyên là niềm vui giúp các cụ khỏe hơn. Ngoài này cứ mấy bức tường, xã hội hiện đại nhộn nhịp các cụ không thích lắm.

Sao Tấn không làm nhà ven Hà Nội?

Về trong đó là quê hương, nơi mình sinh ra lớn lên, bao nhiêu thứ… Anh em họ hàng vẫn ở quê là chính. Ẩm thực Thanh Hóa nhiều lúc nhớ phết. Ăn bát cháo lươn Thanh Hóa, rồi bánh cuốn, bún chả… Một cái bánh mỳ ngày xưa đi học  giờ vẫn nhà đấy làm, vẫn hương vị đấy mà chỗ khác không có. Có một bà làm bún chả rất ngon. Đúng miếng ngon nhớ lâu!

Tuổi thơ của “ông hoàng nhạc đỏ” hẳn vất vả?

Rất vất vả so với bây giờ, chứ lúc đấy một vài nhà nổi lên thôi, còn toàn xã hội ăn độn mà. Bây giờ nhìn lại đúng là khổ thật, suốt ngày ngoài sông hồ. Đi học về là nhao đi câu, bắt tôm, tát cá, móc cua chang chang ngoài đồng. Nhưng trẻ con lúc ấy thích như thế. Nhà mình nghèo, bố mẹ vất vả, phải lăn ra làm giúp các cụ. Mình cũng rất sát cá, gần như nhất khu.  Có lần cùng cậu bạn tát cả một hố bom từ sáng cho đến 4 giờ chiều, thành quả cả một xô tôm cá ăn không hết.

Mải “làm ăn” thế, thời giờ đâu học hành?

Học sinh giỏi 9 năm từ lớp 1 đến lớp 9, được cả văn cả toán. Đến giờ kiến thức vẫn đủ dạy thằng cu năm nay lên lớp 6.

Có hướng cho các con theo âm nhạc?

Cả hai đứa cho học đàn thêm, chưa cho học nhạc chuyên nghiệp. Hai đứa có năng khiếu nhưng ngồi tập đàn vài tiếng là khó chịu. Thôi để chúng nó làm quen chơi được một loại nhạc cụ nào đó, lớn lên bật ra sự đam mê thì đầu tư.

Học giỏi thế nếu không “vướng” vào âm nhạc có khi Tấn đã thành…

Bộ đội. Thời trước là ước mơ đấy. Bộ đội, công an học đi miễn phí, ra trường không phải xin việc. Nhà nghèo thế là sướng rồi. Lên tỉnh đội sơ tuyển cân có 48 ký, chiều cao không đủ. Buồn gần chết. Định thi kiến trúc và tài chính thì bấp bênh vì nhà nghèo. Mẹ chạy chợ hằng ngày nuôi mấy anh em học. Đột nhiên cái khó ló cái khôn. Có anh bạn về nói Nhạc viện học trung cấp không mất tiền. Thế  là theo.

Vì sao 19 tuổi Tấn mới thi vào trường nhạc nhỉ?

Mình đi học muộn một năm. Sáu tuổi đi xin học bị đuổi về vì bé quá. Đó là do “truyền kiếp” của các cụ chứ cũng không phải suy dinh dưỡng gì.

Hiện Tấn còn thời gian dành cho học sinh?

Vẫn dạy dù không liên tục nhưng tháng vẫn có vài buổi. Học sinh xếp hàng xin học nhiều nhưng chỉ giúp những em có khả năng chứ không dạy đại trà được, phân nửa là học sinh cũ. Mà cũng chả lấy tiền em nào. Thực ra, nếu sắp xếp buổi học và bắt các em đóng tiền cũng là một nguồn thu nhập đấy, nhưng thôi. Mình được hưởng từ nghề nhiều rồi, chia sẻ cho học sinh.

Kỷ niệm xúc động với Trọng Tấn khi hát nhạc đỏ?

Cách đây 5-6 năm, Tấn diễn cho chương trình của VTV3 ở nghĩa trang Trường Sơn, hát bài Em ở nơi đâu của Phan Nhân. Trước đấy mấy ngày dựng chương trình, toàn mưa. Trước giờ diễn chỉ 5 hay 7 phút gì đấy, thì tạnh mưa luôn. Bài hôm ấy cũng hơi đặc biệt. Ra hát xúc động, gai người. Là vì trước bài đấy có một phóng sự tìm mộ của ba nữ liệt sĩ. Nghĩa trang Trường Sơn rất nhiều mộ vô danh.

Đặc biệt liệt sĩ được MC Diễm Quỳnh nhắc đến hình như là trung đội trưởng, có chiến công. Diễm Quỳnh nói nếu ai biết được thông tin về chị thì có thể gọi trực tiếp cho chương trình hoặc gia đình. Sau đấy mình ra hát: “Anh đi tìm em chứ em ở nơi đâu/ Phải qua bao suối qua bao nhiêu nhịp cầu…”.  Xúc động lắm, tại mình cũng vừa xem cái clip. Hát xong, thấy có thông tin về nữ liệt sĩ, và tìm ra luôn. Năm ấy vô cùng đáng nhớ. Là vì có một người ở Hà Nội từng trực tiếp chôn cất, nhớ vị trí ngôi mộ, hằng năm vào thắp hương, giờ gọi thẳng cho chương trình.

Những dịp kỷ niệm lớn của đất nước, sân khấu cứ lồng lộng giữa quảng trường hoặc diễn vào đêm giao thừa giờ khắc linh thiêng của đất trời thì rất xúc động. Không thể bỏ qua lịch sử, không thể nào bảo hãy quên cái đã đi qua. Cho nên dòng nhạc chính thống, nhạc đỏ vẫn có đời sống và rất quan trọng.

Còn khoảnh khắc hạnh phúc nhất?

Đêm nhạc Trọng Tấn trong chương trình In the Spotlight. Sau khi chuyển qua hát một vài pop, Tấn quay lại với 1-2 bài chính ca. Chưa bao giờ nhìn thấy diễn nhạc đỏ mà mọi người hào hứng như thế. Tất cả giơ tay điện thoại làm sóng theo bài Tự nguyện kết chương trình. Xúc động lắm. Thôi đời được vài lần đốt như thế cũng cảm thấy thỏa mãn.

Cảm ơn Trọng Tấn.

Trọng Tấn đang làm lại đĩa đầu tay Tiếng đàn bầu (phát hành năm 2000) và Rặng trâm bầu để đạt chất lượng âm thanh tốt hơn. Các bài hát trong hai album sẽ được phối, thu lại theo phong cách trữ tình hơn và bổ sung một số bài như Cùng hành quân giữa mùa xuân, Hoa sim biên giới, Hát về anh… Anh cũng đang ấp ủ làm một album toàn trường ca hát với dàn nhạc giao hưởng. Tháng 11 này, Trọng Tấn làm liveshow riêng do công ty của chính mình tổ chức.

MỚI - NÓNG