Cả rừng camera giao thông: Có như không?

Có camera nhưng sáng 10/4 xe khách 17B-014.26 - nhà xe Phiệt Học vẫn dừng để bắt nhiều khách. Ảnh: A.Trọng
Có camera nhưng sáng 10/4 xe khách 17B-014.26 - nhà xe Phiệt Học vẫn dừng để bắt nhiều khách. Ảnh: A.Trọng
TP - Được lắp đặt để giám sát,làm căn cứ xử phạt xe vi phạm giao thông, tuy nhiên nhiều hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn Hà Nội hiện nay chỉ mang tính “trang trí”. Việc này vừa gây lãng phí vừa làm mục tiêu trở thành đô thị thông minh trở nên xa vời.

Lập “bến cóc” trước camera giao thông

Cùng với giao nhiệm vụ cho các đội quản lý địa bàn như CSGT, Thanh tra giao thông, Cảnh sát trật tự, Công an quận, phường… từ đầu năm 2018 liên ngành GTVT - Công an đã thống nhất lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm giao thông tại khu vực bên ngoài bến xe Giáp Bát. Tuy nhiên, thực tế tại khu vực này những ngày qua, chúng tôi ghi nhận, tình trạng xe khách dừng đỗ, thậm chí lập “bến cóc” bắt, trả khách trên đường vẫn diễn ra ngang nhiên.

Đơn cử, trong khoàng thời gian từ 10 đến 12h trưa ngày 10/4,  hàng chục xe khách dừng, đỗ trên đường Giải Phóng, Kim Đồng để bắt khách, thậm chí các xe khách chạy tuyến Ninh Bình còn lập bến cóc ngay cạnh các mắt camera giao thông để phụ xe xuống chào mời, chèo kéo khách.

Cả rừng camera giao thông: Có như không? ảnh 1 Được đầu tư cả trăm tỷ đồng nhưng nhiều nút camera giao thông Hà Nội chỉ như để trang trí. Ảnh: A.Trọng

Camera thông minh, nhưng con người chưa sẵn sàng

Ngoài mặt cắt rộng đường Lê Văn Lương còn có hệ thống camera giám sát thông minh phục vụ cho hoạt động của xe buýt nhanh - BRT. Tại đây trên dọc tuyến đường từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa, dài hơn 13 km mỗi điểm giao cắt lớn đều được trang bị hệ thống camera giao thông thông minh. Cùng với giám sát giao thông, hệ thống camera tại đây còn có chức năng ghi lại hình ảnh làm căn cứ xử phạt nguội phương tiện vi phạm trên đường.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, cả cơ quan quản lý là Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) và Xí nghiệp Xe buýt nhanh - BRT đều cho rằng, từ khi được hoàn thiện  vào năm 2017 đến nay, hệ thống này chỉ để đơn vị sử dụng quan sát, thống kê số lượng phương tiện như ô tô, xe máy lấn làn xe buýt. Riêng việc xử phạt chưa thể kết nối với CSGT.

“Chỉ có những vụ vi phạm nào lớn, cá biệt và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của BRT và giao thông trên đường, chúng tôi xuất hình ảnh ra và làm công văn gửi sang thì CSGT mới thực hiện xử phạt nguội. Do phương tiện lấn làn BRT chưa được xử phạt kịp thời nên gần đây đang có tình trạng lái xe nhờn hệ thống camera giám sát trên làn đường xe buýt nhanh”, đại diện đơn vị quản lý, vận hành hệ thống camera trên đường BRT thông tin.

Tượng tự, tuyến đường trên cao Vành đai 3 cũng được Hà Nội trang bị hệ thống camera giám sát và xử phạt giao thông nhiều năm nay. Tuy nhiên, mỗi khi có xe khách vi phạm tại đây, thay vì trích xuất hình ảnh từ camera này, các đội CSGT dọc tuyến đường phải tự tìm hiểu, điều tra, thu thập chứng cứ từ các nhân chứng.

Đơn cử, giữa năm 2018, mặc dù không được phép nhưng một xe máy đã chạy lên đường trên cao và ép một xe khách phải đi lùi hàng chục mét. Hành vi này khiến dư luận bức xúc. Để làm rõ chiếc xe máy và xe khách đi lùi trên, sau hơn 1 tuần xảy ra sự việc, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Đội CSGT số 6 cho biết vẫn chưa truy ra được các xe vi phạm. Dư luận đã đặt câu hỏi: do hệ thống camera ở đây không hoạt động hay các đơn vị có trách nhiệm không có sự phối hợp?

Ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, mục đích trang bị camera giám sát trên đường là để nâng cao hiệu quả điều tiết, quản lý giao thông, cùng với đó là giảm số lượng người làm nhiệm vụ trên đường. … Tuy nhiên, cả trăm tỷ đồng đã bỏ ra nhưng hiệu quả chưa thu lại được nhiều, trong khi số vụ được xử phạt qua hình ảnh vẫn ít, mục tiêu cảnh báo, giáo dục ý thức cho người tham gia giao thông qua hệ thống camera chưa cao. Thậm chí, tại những khu vực nhiều vi phạm, cần phải lắp camera như cổng bệnh viện Bạch Mai, trước bến xe Mỹ Đình, ga Hà Nội… lại chưa có.  

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, khi Hà Nội đầu tư  100 nút giao thông có camera giám sát như vậy, lẽ ra lực lượng làm  nhiệm vụ trên đường phải giảm đi, tuy nhiên khi đặt vấn đề  đến công tác xử lý xe dù, bến cóc, đảm bảo trật tự trên đường, cả CSGT, Thanh tra giao thông và công an các quận huyện trên địa bàn Hà Nội đều cho rằng, lực lượng “mỏng”, đề nghị phải bổ sung thêm người. Nếu như vậy lãnh đạo thành phố cần phải xem lại hiệu quả, mục tiêu đầu tư cho hệ thống giao thông thông minh khi yếu tố con người chưa sẵn sàng.

Ngày 10/4, đại diện Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay đội đã xử phạt nguội 13 trường hợp vi phạm ở đường trên cao do Trung tâm điều khiển giao thông chuyển hình ảnh. Tuy nhiên khi đề cập đến công tác đảm bảo giao thông ở đường trên cao, lãnh đạo Đội CSGT số 7 nói rằng, mặc dù có camera giám sát nhưng đội vẫn phải thường xuyên duy trì lực lượng tuần tra, xử lý tại đây. Từ đầu năm đến nay, Đội đã kiểm tra, xử lý 93 trường hợp vi phạm trực tiếp ở đường trên cao.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.