Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho hay hầu hết các F0 trên địa bàn đang được điều trị tại nhà.
Hiện có 15 bệnh viện tham gia điều trị, tuy nhiên phần lớn đều là các ca nhẹ và trung bình. Hơn 200 ca nặng tập trung tại bệnh viện dã chiến, trong đó khoảng 40 ca nằm ở ICU. Theo bà Kim Yến, thành phố đang rất khó khăn về lực lượng y tế, nếu các bệnh viện không điều trị ca nặng thì phải hỗ trợ nhân lực ICU cho bệnh viện dã chiến. Nếu không bệnh viện dã chiến sẽ không thể xoay xở được. “Một là bệnh viện điều trị ca nặng. Nếu không điều trị ca nặng, chuyển lên bệnh viện dã chiến thì phải gửi người lên”, bà nhấn mạnh.
Số lượng F0 tăng cao, trong đó có cả nhân viên y tế làm ảnh hưởng tới việc điều trị, theo dõi F0, tiêm chủng.... |
Sở Y tế nhận định, trong những ngày tới F0 sẽ tăng lên nhiều, và sẽ phức tạp hơn khi F0 không khai báo gây khó khăn trong quản lý, điều trị. Không chỉ vậy, số F0 là nhân viên y tế cũng tăng, ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị, theo dõi F0 tại nhà, tiêm chủng…
Phó Chủ tịch thành phố yêu cầu Sở Y tế tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 (BCĐ) dự kiến số ca F0, số ca nặng, số ca phải dùng ICU trong tháng 3 để nhận định tình hình. Đây là việc rất cần để BCĐ có định hướng huy động lực lượng cũng như việc cho học sinh đi học lại. Đặc biệt phải báo cáo số nhân viên y tế là F0 để biết được lực lượng đang bị ảnh hưởng như thế nào.
Bà Yến lưu ý, hiện nguồn lực tại các địa phương rất khó khăn, phải rà soát lại cụ thể để có tham mưu các mô hình, biện pháp đảm bảo lực lượng. Nếu tình hình căng thẳng, trong tháng 3 này cần phải đề nghị lực lượng quân đội, công an hỗ trợ.
Riêng ngày 28/2, Đà Nẵng có tới 1.128 ca mắc COVID-19. Đây là lần đầu tiên thành phố vượt mốc hơn 1.000 ca mắc trong ngày.