Cả gia đình tham gia đội hình chống COVID

0:00 / 0:00
0:00
Các tình nguyện viên đo thân nhiệt, hỗ trợ người dân khai báo y tế ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội
Các tình nguyện viên đo thân nhiệt, hỗ trợ người dân khai báo y tế ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội
TP - “Nhiều khi nhà cửa bỏ không, không có người trông nom vì mọi thành viên trong gia đình đều tham gia chống dịch. Mỗi người một nhiệm vụ khác nhau, đi từ sáng sớm đến khuya mới về, hiếm có bữa cơm nào đầy đủ thành viên”, chị Trần Thị Huyền, SN 1998, Bí thư Chi đoàn thôn 6 xã Tam Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội), chia sẻ.

Con 3 tuổi vẫn xung phong ra chốt trực

6 giờ chiều, chị Nguyễn Thu Hằng (SN 1999, trú tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) lại đến chốt kiểm soát dịch của xã Tam Hiệp nằm tại ngã ba Quốc lộ 32 giao với đường đê sông Đáy, bắt đầu một ca làm việc mới. Dù có con nhỏ chưa đầy 3 tuổi, công việc kinh doanh bận rộn, nhưng khi Đoàn Thanh niên kêu gọi, chị Hằng không ngần ngại sắp xếp công việc cá nhân đăng ký tham gia đội hình tình nguyện.

Nhiệm vụ hằng ngày của chị Hằng là đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân khai báo y tế cả hai chiều ra và vào. Chị Hằng cho biết, mỗi ca trực kéo dài 8 tiếng, thời điểm đông người dân qua lại, mọi lực lượng đều tập trung phân luồng và hướng dẫn người dân khai báo y tế, tránh tụ tập đông người. Nhiều khi đến bữa, vừa cầm hộp cơm trên tay chưa kịp ăn, có người dân đi qua chốt đành dừng bữa để làm nhiệm vụ. Khi quay lại hộp cơm đã nguội cứng.

“Thời tiết nắng nóng khiến mình mệt mỏi, nhưng hễ nhìn hình ảnh mọi người đang hăng say với công việc, năng lượng lại tràn về. Tiếp xúc với nhiều người mình cũng khá lo lắng, lo nhất là làm sao an toàn cho mọi người ở nhà. Tuy nhiên, khi làm nhiệm vụ mình luôn tuân thủ quy tắc phòng dịch, đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, sát khuẩn tay nên cũng yên tâm hơn”, chị Hằng chia sẻ.

Tham gia trực cùng với chị Hằng, bạn Nguyễn Quỳnh Anh (SN 2003) vừa trải qua kì thi tốt nghiệp THPT, xung phong hỗ trợ tuyến đầu với mong muốn đóng góp công sức cùng địa phương sớm đẩy lùi đại dịch.

“Em vừa trải qua thời gian ôn luyện vất vả, đáng nhẽ phần thưởng cho sự cố gắng ấy là một kỳ nghỉ hè. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên mọi kế hoạch đều phải huỷ bỏ. Mong rằng, mọi người cùng nâng cao ý thức để dịch bệnh sớm được đẩy lùi, các y bác sĩ, chiến sĩ, tình nguyện viên… được trở về nhà và chúng em tiếp tục được đến lớp”, Quỳnh Anh nói.

Dưới tiết trời oi bức, ngột ngạt, nhóm của chị Hằng bắt đầu trực chỉ vài chục phút mà ai nấy đều thấm đẫm mồ hôi. Vất vả nhất là ca trực đêm, mọi người phải thay nhau thức. Có đêm trời nổi cơn dông, gió lớn khiến cả lán bị hất qua một bên, không còn chỗ trú, cả tổ ai cũng ướt sũng.

Mong mọi người sớm được trở về nhà

Từ khi có dịch, chị Trần Thị Huyền (SN 1998), Bí thư Chi đoàn thôn 6, xã Tam Hiệp tham gia tổ truy vết của địa phương, đồng thời hỗ trợ trực chốt phòng, chống COVID-19 tại chợ trung tâm xã. Công việc của Huyền thường bắt đầu từ 4h sáng và kết thúc vào đầu giờ chiều. Chị cùng lực lượng công an, dân quân kiểm soát người ra - vào, đo thân nhiệt, hướng dẫn khai báo y tế và kiểm tra phiếu đi chợ của người dân.

Khi địa phương có trường hợp tiếp xúc gần với các ca bệnh hoặc người về từ vùng dịch, Huyền lại tất bật với sổ sách, điện thoại để truy vết người liên quan. Theo nữ Bí thư Chi đoàn thôn 6, công việc phòng dịch tuy có vất vả, nhưng nếu làm tốt, sẽ hạn chế những trường hợp xấu.

Anh Lê Hồng Huế, Bí thư Ðoàn Thanh niên xã Tam Hiệp, Phúc Thọ (Hà Nội), cho biết, từ khi TP Hà Nội áp dụng Chỉ thị 17, Ðoàn Thanh niên xã Tam Hiệp đã huy động hơn 50 ÐVTN thường xuyên tham gia các nhiệm vụ tuyên truyền lưu động, kiểm tra cơ động, trực chốt kiểm dịch, truy vết… Có người đã đi làm, có người đã lập gia đình, cũng có bạn đang là học sinh, sinh viên. Nhưng ai cũng sẵn sàng gác lại công việc cá nhân, tham gia chống dịch với tinh thần quyết tâm cao nhất.

Từ khi Hà Nội áp dụng Chỉ thị 17, 4/5 thành viên trong gia đình Huyền động viên nhau tình nguyện tham gia chống dịch. “Mẹ mình tham gia trực chốt y tế. Bố tham gia vận chuyển vật tư phòng, chống dịch. Cô em gái là thành viên tổ phát thanh có nhiệm vụ làm công tác tuyên truyền và cung cấp thông tin về dịch bệnh cho người dân. Duy chỉ có cậu em trai út năm nay lên lớp 7 được gia đình giao nhiệm vụ nấu cơm, trông nom nhà cửa”, Huyền chia sẻ.

“Đối với công tác xã hội, trước nay gia đình mình tham gia rất nhiệt tình, mong muốn đóng góp công sức cùng mọi người ngăn chặn đại dịch. Mong rằng dịch bệnh sớm qua đi để mọi người được trở về nhà, được trở lại với công việc của mình”, nữ Bí thư Chi đoàn nói thêm.

MỚI - NÓNG