Cả gan - can trường

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Tôi bắt đầu nghĩ về chữ gan, gan ruột, can trường của tiếng Việt khi tiếp xúc với một thành ngữ tiếng Anh: To have guts. Một người đe người kia: You have guts to say that. Nghĩa đen: Mày có ruột mà nói như vậy hả. Nghĩa cần hiểu: Mày dám nói như vậy hả. 

Tiếng Việt không dùng bộ lòng bộ ruột như tiếng Anh, mà dùng đến cái gan: Mày có gan nói như vậy hả. Cái dũng khí, cái táo tợn, cái quyết tâm được biểu hiện qua lá gan: gan dạ, táo gan, bạo gan. Và chỗ này hình như tương đồng với tiếng Anh: can trường (gan và ruột), trường là cái ruột, như chữ guts tiếng Anh vừa nói ở trên.

Vẫn là cái nghĩa có gan nói, tiếng Anh còn diễn đạt: You have balls to say that. Có lần tôi đã phì cười khi trong một phụ đề Việt cho bộ phim Mỹ, người ta dịch lời nhân vật thế này: Tao đập bẹp quả bóng của mày ra bây giờ. Lúc ấy chẳng có quả bóng nào mà cũng chẳng ai chơi bóng. Thực ra chữ ball có nghĩa là quả bóng, nhưng balls số nhiều còn có nghĩa là hai hòn tinh hoàn.

Tao đánh bẹp dái mày bây giờ, thế mới đúng nghĩa. Và cái câu “you have balls to say that” thì nghĩa đen lại là: mày vẫn còn (chưa thọt dái lên cổ) dám nói như vậy hả. Lại một sự tương đồng: tiếng Việt có thành ngữ già dái non hột, để nói đến sự không tương xứng giữa vẻ ngoài hung hăng đe dọa, nhưng mặt khác thì chưa đủ can đảm, chưa đủ gan.

Lòng can đảm, dũng khí được người Việt biểu thị qua cái gan. Cả gan là to gan: Cả gan làm một việc tày trời như thế. Gan dạ, đầy một bụng gan, tức là to gan lớn mật. Tố Hữu viết: Gan không núng chí không mòn. Thời xưa Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn viết: Chỉ căm tức rằng chưa được xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù. Lòng căm thù đẩy lên thành một cách ngoa ngôn như vậy, nhưng cũng là muốn xem cái gan của quân thù to đến mức nào mà dám đến đất này xâm lược.

Con cóc tía trong truyện cổ, dám lên tận trời đòi mưa, được dân gian phong cho là cậu ông trời. Dũng cảm, khí phách, không biết sợ, người đời cho là gan cóc tía.

Khi hài lòng một việc gì, thì mát ruột mát gan. Mát gan thì hạ hỏa, giảm bớt mụn nhọt mẩn ngứa. Danh y Hải Thượng Lãn Ông dạy: Vui quá hại tâm, sợ quá hại thận, giận quá hại can, lo quá hại phế, nghĩ quá hại tì vị.

Giận quá hại can, tức là hận thù, phẫn nộ, tức giận, bực bội… ảnh hưởng đến lá gan của người ta. Giảm bớt sầu hận, không thù không oán, lấy ân trả oán, được như vậy thì tâm tính bình ổn, vui vẻ hòa hợp, không đau tim không đau gan, ít bệnh tật. Nhiều tôn giáo còn truyền giảng phải biết thương kẻ thù. Khó quá. Nhưng nghĩ cho đến cùng thì đấy không chỉ là triết lý sách vở.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.