Hàng tấn cá chết, trong đó có nhiều loài quý hiếm sống ở ngoài khơi và vùng nước sâu đã dạt vào bờ biển các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình và Huế. Vụ việc gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng tới đời sống ngư dân địa phương.
“Chúng tôi chưa từng gặp trường hợp như này”, AFP dẫn lời ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản).
Hãng tin trên cũng dẫn phát biểu “gây sốc” của ông Chu Xuân Phàm, cán bộ của Formosa tại Hà Tĩnh trên kênh truyền hình VTC14 trước những thắc mắc xung quanh vụ việc rằng: “Các bạn không thể có được cả hai, cần phải lựa chọn đánh bắt tôm cá hoặc xây dựng một nhà máy thép hiện đại”.
Ngoài ra, AFP cũng dẫn tin từ báo Thanh Niên cho hay, dù đường ống xả thải dài 1,5km từ nhà máy thép xuống biển Hà Tĩnh là hợp pháp nhưng Formosa chỉ được cho phép xả nước thải đã qua xử lý.
Báo cáo cũng cho biết thêm, Formosa nhập khẩu gần 300 tấn các loại hóa chất độc hại để súc rửa hệ thống đường ống của hệ thống xử lý nước thải.
Ngư dân địa phương khẳng định trước khi nhà máy hoạt động tại khu vực hải sản ở khu vực này rất dồi dào song từ khi nhà máy hoạt động cho đến nay, trữ lượng hải sản sụt giảm đáng kể.
AFP cũng cho biết, các lãnh đạo Việt Nam cho hay sẽ xem xét đề nghị cộng đồng quốc tế trợ giúp để xác định chính xác nguyên nhân và cam kết đưa đối tượng phải chịu trách nhiệm ra trước công lý
“Không có ngoại lệ nào cả”, AFP dẫn tuyên bố của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng được đăng trên một trang web chính phủ.
Trước đó, ngày 21/4, AFP cũng dẫn lời Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình Trần Đình Du cho hay, các dấu hiệu cho thấy cá bị nhiễm độc bởi “những chất không xác định” và khuyến cáo mọi người không ăn cá cũng như sử dụng cá làm thức ăn cho gia súc.