Cá chết bất thường tại biển Thanh Hóa: Có lặp lại kịch bản Formosa?

Các chủ hộ nuôi lồng bè ngao ngán trước hiện tượng cá chết bất thường. Ảnh: PV.
Các chủ hộ nuôi lồng bè ngao ngán trước hiện tượng cá chết bất thường. Ảnh: PV.
TP - Cá chết ở Nghi Sơn (Thanh Hóa) vừa qua, một lần nữa báo động về tình trạng môi trường biển. Nhiều ngư dân ở Thanh Hóa đang rất hoang mang, lo lắng trong khi đó vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.

Ngư dân hoang mang

Có mặt tại khu vực nuôi cá thôn Lam Sơn (xã Nghi Sơn), quang cảnh chợ cá vắng hoe. Anh Nguyễn Văn Thành, một ngư dân ở thôn nhiệt tình mang thuyền thúng đưa phóng viên ra tận lồng cá. Đi qua những lồng cá trơ trọi, những con chó được ngư dân nuôi sủa inh ỏi. “Chó được các chủ lồng nuôi để phòng trộm cá. Nhưng giờ, cá chết hết rồi, nhiều chủ lồng đem bớt chó về đất liền”, Thành nói.

Lão ngư Trần Quang Luận, ở thôn Lam Sơn (xã Nghi Sơn) đang phân loại cá để bán cho thương lái. Ông Luận kể, may hôm đó hơn chục lồng cá của gia đình ở bên ngoài nên nhờ người thân kéo ra ngoài khơi kịp, không đàn cá chết hết. “Dòng nước chảy vào vịnh hôm đó đặc keo, thoát ra chậm, chảy vào lồng nào là lồng ấy cá chết trắng. Nước lúc màu đen, lúc màu hơi đỏ khác thường, chiều dày 4 - 5m. Có màng trên nước, chảy qua lồng cá thì các loại cá sống ở tầng đáy như: cá mú, cá vược, cá hồng mỹ… nổi trên mặt nước, nhiều con phơi bụng, nhảy tốc lên sau đó chết ồ ạt. Ở đây, mấy chục năm nay chưa bao giờ có hiện tượng như vậy”, ông Luận kể.

Với gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề, vụ cá chết khiến ông thấp thỏm lo lắng và gom cá to trong các lồng để bán cho thương lái dù giá thấp hơn. “Ngày 7 - 8/9, có những gia đình có đến 5 tấn cá lồng bị chết. Nhiều hộ cá không chết nhưng sợ, đánh hết cá lên bán. Bị thương lái ép giá, như cá mú giá 200 - 250 nghìn đồng/kg hôm đó còn có trên dưới 100 nghìn đồng/kg. Gia đình tôi không phải bán phá giá, nhưng giờ cũng thấp thỏm lo âu”, ông Luận nói.

Từ ngày cá chết, vợ chồng chị Nguyễn Thị Lan, ở thôn Lam Sơn, thay nhau túc trực ngày đêm trên những lồng cá gia đình. “Chúng tôi thường xuyên để ý màu nước biển, nếu có màu lạ còn gọi người đưa lồng cá ra khơi ngay kẻo trở tay không kịp. Kết luận ban đầu là thủy triều đỏ, nhưng ngư dân chúng tôi hoang mang lắm. Bởi nếu thủy triều đỏ là trên diện rộng cả khu vực vịnh, đằng này chỉ nổi dọc theo vệt nước màu đen”, chị Lan nói.

Anh Nghiêm Văn Thành, công tác ở văn phòng UBND xã Nghi Sơn, người trực tiếp theo dõi vụ việc cá lồng chết bất thường cho biết: Toàn xã có 66 hộ nuôi cá lồng. Trong ngày 7 - 8/9, 23 hộ có cá chết, thiệt hại gần 50 tấn. “Các hộ còn lại cá vẫn sống bình thường, ước tính số cá còn lại trên 100 tấn. Dù có kết luận ban đầu là do tảo nở hoa nhưng người dân ở đây vẫn rất hoang mang. Nhất là những hộ còn cá sống trong lồng”, anh Thành nói.

Cá chết bất thường tại biển Thanh Hóa: Có lặp lại kịch bản Formosa? ảnh 1

Ở Lam Sơn, cá vẫn còn chết lác đác. Ảnh: Quang Lộc, chụp trưa 16/9.

Treo lưới

Anh Hoàng Văn Dũng, một ngư dân cự phách ở thôn Liên Vinh (xã Tĩnh Hải) và nhiều ngư dân khác ở xã không ra khơi mấy hôm nay. Ngồi sửa lại lưới cùng vợ, anh Dũng kể: Thạo con nước, thông luồng cá, vùng biển xã Tĩnh Hải trước nhà cá, ghẹ trù phú. Với chiếc thuyền nhỏ, trước đây, mỗi ngày anh Dũng cùng bạn chài kiếm hàng triệu đồng. Ngày trúng ghẹ, anh bỏ túi vài triệu đồng. Từ ngày cá chết, vất vả lăn lội cả ngày không đủ tiền dầu. Anh Dũng cũng thôi đi biển.

Anh Dũng dẫn tôi ra bãi biển trước nhà, đăm đăm nhìn về phía khu công nghiệp Nghi Sơn. Nơi đó, từ nhỏ anh theo bố lên thuyền đi biển. Học hành chưa hết cấp tiểu học, anh không hiểu hết những giá trị kinh tế - xã hội mà các nhà máy, khu công nghiệp mang lại cho quê nhà, nhưng nhìn cá chết trắng bụng trôi dạt vào bờ biển, anh không khỏi xót xa. Chỉ tay về phía nhà máy, anh bảo: “Gần khu nhà máy, ở chỗ đặt đường ống xả thải của nhà máy Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn giờ là vùng cấm đánh bắt cá. Trước cá, ghẹ, cua vùng đó nhiều lắm. Nhưng giờ không hiểu sao chết hết, không có hải sản để đánh bắt nữa.

Gần tối, khác không khí tấp nập mua bán cá như mọi hôm ở bãi biển Tĩnh Hải, một vài thuyền bắt đầu rẽ sóng cập bờ. Gương mặt đượm buồn, vợ chồng anh Lê Văn Thắng, ngư dân trong xóm lầm lũi neo thuyền. Anh Thắng cho biết: Thả hai tay lưới dài, từ sáng đến giờ anh chỉ kiếm được khoảng 2kg ghẹ và 3kg cá. “Trước khi cá chết, đi đánh mỗi ngày có khi được cả tạ cá, ghẹ, kiếm tiền triệu. Đi biển bữa ni chỉ cho vui, đỡ nhớ nghề chứ không đủ chi phí”.

Cũng như gia đình anh Thắng, gia đình chị Hoa ở thôn Liên Vĩnh vẫn ra khơi đánh bắt cá. Chị Hoa nói: “Kéo lưới cả ngày được 1 con ghẹ và hơn cân cá. Hải sản đâu vắng bóng. Giờ ra khơi vất vả cả ngày không bù lại được tiền dầu, tiền lưới rách. Cá đánh bắt được phục vụ chủ yếu cho người dân trong vùng. Vả lại, từ khi có hiện tượng cá, ghẹ chết, đi đánh được về cũng khó bán hơn trước”.

Cá chết bất thường tại biển Thanh Hóa: Có lặp lại kịch bản Formosa? ảnh 2

Một hộ nuôi cá lồng ở xã Lam Sơn đang phân loại cá để bán. Ảnh: Quang Lộc.

Cần sớm làm rõ nguyên nhân

Đối với người dân ở huyện Tĩnh Gia, thông tin cá chết lan rộng, khiến bữa cơm của nhiều người dân chài vắng bóng món cá biển. Chị Nguyễn Thị Sáu, người dân ở thôn Liên Vinh chia sẻ: “Trước tình hình cá chết hàng loạt. Người dân hoang mang, không dám ăn thủy sản, tích trữ nước mắm. Mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp quyết liệt khắc phục sự cố, cho người dân yên tâm bám biển”.

Chị Hoàng Thị Hải (thôn Liên Vinh, xã Tĩnh Hải) cho hay, cá, ghẹ chết ở vùng biển Tĩnh Hải hơn 10 ngày qua khiến chị và nhiều người dân nơi đây không dám mua cá biển về ăn. “Trước khi cá chết gia đình tôi có mua hơn 1 yến hải sản để đông lạnh ăn dần. Nhưng giờ, chưa biết nguyên nhân sao cá chết. Số cá trên giờ tôi chỉ cho chó, mèo ăn. Chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng, chúng tôi mới yên tâm được”, chị Hải nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch UBND xã Tĩnh Hải, cho biết Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có một đường ống xả thải ngầm nối từ nhà máy ra biển dài 2km và cách mặt nước biển 11m. Trước thời điểm cá lồng ở xã Lam Sơn chết, từ ngày 4 - 7/9 tại xã Tĩnh Hải, người dân đã trình báo phía sau Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, cách bờ biển 300-500m, chỗ ống xả thải họ phát hiện một dải nước đen bất thường. Sau đó, một số hải sản như cá bơn, thèn, ghẹ, cua… sống trong môi trường tự nhiên chết nhiều. “Chúng tôi mong muốn ngành chức năng sớm đưa ra kết luận cuối cùng để người dân sớm yên tâm với hoạt động đánh bắt, mua bán hải sản”, bà Nga nói.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết: Căn cứ vào kết quả phân tích sơ bộ mẫu nước biển tại khu vực cá lồng chết, khu vực cảng của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và nước biển gần bờ, bước đầu có thể xác định nguyên nhân gây nên tình trạng cá tự nhiên và cá nuôi lồng chết là do hiện tượng tảo nở hoa. Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa vẫn đang chờ kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá để có thể kết luận sự việc. UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục theo dõi, tổng hợp thông tin về tình hình cá chết trên địa bàn; hướng dẫn bà con di chuyển lồng bè còn lại ra khỏi vùng nước bị ô nhiễm; thu hoạch bán số cá còn lại để phòng khả năng cá tiếp tục bị chết; không sử dựng cá chết để ăn hoặc chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm; tiến hành phân tích, đánh giá nguyên nhân cá chết…

Hoàng Lam (ghi)

MỚI - NÓNG