Buýt nhanh - BRT lăn bánh: Cấm nhiều loại xe giờ cao điểm

Nhà chờ xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội.
Nhà chờ xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội.
TP - Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay tuyến buýt nhanh (BRT) đầu tiên của Thủ đô đã cơ bản hoàn thành. UBND thành phố Hà Nội vừa đồng ý với phương án điều hành, tổ chức giao thông của liên ngành để phục vụ buýt nhanh hoạt động. Theo đó, taxi, ô tô khách, xe tải và cả xe máy sẽ thuộc diện “cấm đường” để ưu tiên BRT.

Người dân được trải nghiệm miễn phí

Chiều qua (14/12), đại diện Sở GTVT Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết, đến nay việc triển khai dự án đã cơ bản hoàn thành, hiện Tổng Cty Vận tải Hà Nội (đơn vị được giao quản lý, vận hành tuyến) đã nhập 29 xe của nhà sản xuất để sẵn sàng chạy trên tuyến. Theo phương án điều hành, tổ chức giao thông cho buýt BRT hoạt động của liên ngành Sở GTVT - Công an, tổng số xe nhập về đủ để vận hành tuyến trong giai đoạn đầu. Cụ thể, xe buýt BRT có thời gian hoạt động từ 5 đến 22h hàng ngày, lộ trình hoạt động bao gồm: Bến xe Yên Ngĩa (Hà Đông) - QL6 - Ba La - Quang Trung - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Giang Văn Minh - Kim Mã và ngược lại.

Ông Vũ Hà, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển Giao thông đô thị (Sở GTVT - đơn vị triển khai dự án) cho biết, xe chạy trên tuyến là xe sản xuất mới và đạt tiêu chuẩn khí thải châu Âu (Euro 3), thiết kế xe dài hơn xe buýt thông thường và chở 90 người/lượt (nhiều hơn xe buýt thường 10 người). “Xe buýt BRT có một số điểm khác với xe buýt thường, gồm: xe có 2 cửa (lên, xuống) ở bên trái, xe sử dụng hộp số tự động và trang bị các thiết bị công nghệ tiện ích như camera giám sát hành trình, hệ thống nhận dạng thẻ từ, thẻ thông minh, wifi phục vụ hành khách. Ngoài ra, xe còn có hệ thống sàn phẳng, bằng với cốt nền của nhà chờ (vỉa hè) giúp hành khách và cả người đi xe lăn tiếp cận dễ dàng”, ông Hà thông tin.

Về kế hoạch vận hành buýt BRT, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, từ ngày 15/12 đến ngày 31/12/2016 đơn vị thực hiện tổ chức vận hành thí điểm 1 xe chạy ở hai đầu bến cũng như trên tuyến. Mục đích, để kiểm chứng phương tiện, tập huấn lái xe và khớp nối các thông số kỹ thuật của dự án. Từ ngày 1/1/2017, chính thức vận hành với tổng số 29 xe (bao gồm cả xe dự phòng) chạy trên tuyến. “Trong giai đoạn này phương án tổ chức giao thông có sự điều chỉnh lại, do vậy xe chạy trên tuyến thời gian này sẽ là 45 phút/lượt; chậm 8 phút so với thiết kế”, ông Quang thông tin.

Cũng theo ông Quang, để hành khách có thời gian làm quen loại dịch vận tải công cộng mới, trong thời gian vận hành 1 tháng kể từ ngày 1/1 đến ngày 31/1/2017 hành khách sẽ được trải nghiệm, sử dụng xe buýt BRT miễn phí.

Cấm xe máy lên cầu vượt nhẹ giờ cao điểm

Trước việc trục đường Giảng Võ - Lê Văn Lương kéo dài thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm, dư luận cho rằng việc bố trí một làn đường riêng cho xe buýt sẽ khó thực hiện, đại diện liên ngành cho rằng, để phát huy tối đa hiệu quả của dự án việc bố trí làn đường dành riêng ở những khu vực hạ tầng cho phép phải được thực hiện. Theo phương án vận hành và tổ chức giao thông của liên ngành, cùng với việc lập làn đường dành riêng, trên các trục đường buýt BRT hoạt động, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ cấm một số loại phương tiện, trong đó có taxi, xe tải thậm chí xe máy.

Cụ thể, đối với trục đường dài 14 km (Kim Mã - Yên Nghĩa) buýt BRT hoạt động, liên ngành đã sơn vạch liền kết hợp đinh phản quang để cấm phương tiện hỗn hợp đi vào. Khi buýt BRT hoạt động, nếu ô tô, xe máy đi vào hoặc lấn làn, đè vạch sơn đều bị xử phạt lỗi đi sai làn. Cùng với lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông làm nhiệm vụ trên đường, dọc hành trình buýt BRT hoạt động đã được trang bị hệ thống camera giám sát, ghi lại hình ảnh, do vậy nếu phương tiện cá nhân vi phạm sẽ bị lực lượng làm nhiệm vụ xử phạt nguội.

Với việc hạn chế, cấm một số loại phương tiện, phương án của liên ngành nêu rõ, với xe taxi, cấm hoạt động trong giờ cao điểm: sáng từ 6- 9h; chiều từ 16-19h trên các tuyến đường Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương; đối với ô tô, xe chở khách, xe tải chở hàng từ 0,5 tấn trở lên cấm hoạt động trên các tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến nút Tố Hữu - Vạn Phúc) trong thời gian sáng: từ 6- 9h, chiều từ 16 - 19h30; với xe máy, xe thô sơ: cấm đi trên 2 cầu vượt nhẹ Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Láng Hạ - Láng trong giờ cao điểm, sáng 6 - 9h, chiều 16- 19h30, ngoài ra xe tải cũng bị cấm toàn thời gian đi trên 2 cây cầu này khi buýt BRT hoạt động.

Với tổng mức đầu tư trên triệu 55 triệu USD (tương đương 1.100 tỷ đồng), tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km được thành phố Hà Nội khởi công tháng 3/2013 và hoàn thành vào năm 2016 (chậm hơn 1 năm so với kế hoạch). Với tần suất từ 3 đến 5 phút/lượt và vận tốc chạy 23,8 km/h, từ Kim Mã chạy về bến Yên Nghĩa buýt BRT sẽ chạy hết 37 phút. So với buýt thường, lộ trình này rút ngắn gần một nửa thời gian. Giá vé đồng hạng được áp dụng cho giai đoạn đầu là 7.000 đồng/lượt.

MỚI - NÓNG