Chia sẻ tại hội thảo về chuyển đổi số “Better For Business” sáng 7/1 tại Hà Nội, ông Phạm Thế Trường, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng, DN đang có nhiều thuận lợi trong chuyển đổi số khi chính sách, hành lang pháp lý thông thoáng. Chủ trương của Chính phủ hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia cũng tạo môi trường thuận lợi cho DN chuyển đổi.
Nghiên cứu mới đây của Microsoft và IDC thực hiện tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương chỉ ra rằng, trước và sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, 74% lãnh đạo kinh doanh cho rằng đổi mới là điều bất buộc và khả năng đổi mới đóng vai trò quan trọng đối với hiệu suất và khả năng chống chịu của doanh nghiệp. 98% các doanh nghiệp tiên phong trong quá trình đổi mới tin rằng, đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường.
“Áp dụng công nghệ chỉ là bước đầu để một tổ chức chuyển đổi thành một doanh nghiệp số. Để thành công, doanh nghiệp cần có cả tầm nhìn, chiến lược, văn hóa tổ chức và tiềm năng khác biệt”, TGĐ Microsoft Việt Nam nhận định.
Khẳng định chuyển đổi số là câu chuyện sống còn, quyết định sự tồn tại của DN, ông Tống Văn Tiến, Giám đốc Chuyển đổi số TPBank cho rằng, thúc đẩy chuyển đổi số, quan trọng là tầm nhìn lãnh đạo. “Nhìn lại câu chuyện chi phí, nhờ chuyển đổi số, chúng tôi giảm được 45 nhân sự, tự động hoá nhiều quy trình, kết quả đạt được giá tri gấp 2 lần số tiền đầu tư”, ông Tiến cho hay.
Năm 2020 vừa qua, xu hướng số hoá trong ngành ngân hàng, đặc biệt sau COVID-19 đã có những bước tiến rõ rệt. Ông Tiến đánh giá, 2021 sẽ là năm tất cả các ngân hàng nhìn thấy động lực, đầu tư sâu rộng cho chuyển đổi số.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, khâu quản lý, điều hành hệ thống, quản trị dữ liệu của DN hiện còn rời rạc, dù DN có dữ liệu trong tay. Theo IDC, đến năm 2025 dữ liệu toàn cầu sẽ đạt 175 triệu gigabytes. Với khối lượng dữ liệu khổng lồ, thách thức đặt ra với các tổ chức và doanh nghiệp không đơn thuần là trở thành một doanh nghiệp số, mà quan trọng hơn là khai thác dữ liệu số như thế nào để tạo ra giá trị cho tổ chức.
Hiện nay, các giải pháp lưu trữ tại chỗ không thể xử lý được khối lượng yêu cầu kinh doanh ngày càng phức tạp. Chi phí bảo trì cơ sở hạ tầng cũng gia tăng và tốn kém. Ông Đặng Đức Hạnh, Giám đốc Công nghệ bệnh viện Medlatec nhấn mạnh, muốn đi xa đi phải cùng công nghệ, muốn đi nhanh cũng phải đi cùng công nghệ.
Theo đó, chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ của các DN không đơn thuần là làm thế nào để có thể trở lại trạng thái bình thường như trước, mà làm thế nào để kiên cường hơn trong một thế giới đã thay đổi. DN cần có nguồn lực nhân sự được trang bị kỹ năng phù hợp để thực hiện chuyển đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, và mô hình kinh doanh khác biệt trong thời đại mới.